03/07/2024 - 07:47

Tranh cãi quanh quyền miễn trừ của ông Trump 

Sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ trao quyền miễn trừ truy tố cho người tiền nhiệm Donald Trump, đương kim Tổng thống Joe Biden cảnh báo quyết định này gần như phá bỏ mọi giới hạn về những gì một tổng thống có thể làm.

Phe Dân chủ tức giận

Tổng thống Biden cho biết, phán quyết của Tòa án Tối cao là “tiền lệ nguy hiểm” khi mở ra viễn cảnh về quyền lực của chức vụ tổng thống không còn bị luật pháp hạn chế. Nhắc lại vụ bạo loạn do những người ủng hộ ông Trump khởi xướng ngày 6-1-2021 tại tòa nhà Quốc hội để ngăn việc công nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Biden cảnh báo ông Trump dựa vào phán quyết của tòa sẽ càng liều lĩnh nếu được trở lại Nhà Trắng. Theo giới quan sát, chính trị gia 78 tuổi có thể tìm cách chấm dứt việc truy tố hoặc có khả năng tự ân xá cho bất kỳ tội danh liên bang nào. Vì vậy, ông Biden nhấn mạnh đã đến lúc người dân Mỹ tự có “phán quyết” đối với hành vi của người tiền nhiệm.

Ông Trump ngồi tại bàn bào chữa trong phiên tòa hình sự ở New York. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói rằng quyết định về quyền miễn trừ được đưa ra bởi lực lượng bảo thủ của Tòa án Tối cao cho thấy ảnh hưởng chính trị đang lấn át tất cả trong hệ thống tòa án Mỹ. Nữ nghị sĩ cấp tiến đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez thì mô tả phán quyết là “cuộc tấn công” vào nền dân chủ nước nhà với một Tòa án Tối cao đã mất hết uy tín và “bị nhấn chìm” trong cuộc khủng hoảng tham nhũng ngoài tầm kiểm soát. Bà Cortez tuyên bố sẽ đệ trình các điều khoản luận tội liên quan quyết định trên. Ngoài ra, nghị sĩ Dân chủ Robert Garcia chỉ ra thực tế có tới 3 trong số 9 thẩm phán tại cơ quan này là người được ông Trump bổ nhiệm khi đương chức. “Ông Trump đã bổ nhiệm 3 thẩm phán cực hữu và đang lợi dụng quyền lực của tổng thống theo những cách mà trước đây không thể tưởng tượng được. Tòa án đã không còn là nơi có thể được trông cậy để bảo vệ hiến pháp” - nghị sĩ này lên án.

Quan điểm của Tòa án Tối cao

Ngày 1-7, Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng ít nhất theo giả định, ông Trump không thể bị truy tố đối với bất kỳ hành vi nào nằm trong quyền hạn hiến định của ông với tư cách tổng thống. Được sự đồng thuận của 6 thẩm phán theo đường lối bảo thủ trong khi 3 thành viên còn lại theo chủ nghĩa tự do bỏ phiếu chống, phán quyết trên đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi thành lập đất nước vào thế kỷ 18, Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố các cựu tổng thống có thể được bảo vệ khỏi cáo buộc hình sự trong mọi trường hợp.

Quyết định được đưa ra khoảng 20 tuần sau khi ông Trump nộp đơn kháng cáo phán quyết của tòa án cấp dưới bác bỏ yêu cầu của ông về quyền miễn trừ khỏi các cáo buộc hình sự liên bang liên quan nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Các hành vi có trong bản cáo trạng của ông Trump bao gồm những cuộc thảo luận với viên chức Bộ Tư pháp sau cuộc bầu cử năm 2020; cáo buộc gây sức ép lên Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Mike Pence để ngăn Quốc hội chứng nhận chiến thắng của đối thủ Biden; cáo buộc ông có vai trò trong việc tập hợp các cử tri giả trong quá trình chứng nhận; và hành vi liên quan vụ tấn công Đồi Capitol.

Theo phán quyết năm ngoái của Thẩm phán Washington Tanya Chutkan, không tìm thấy cơ sở pháp lý nào để kết luận các cựu tổng thống không phải đối mặt với các cáo buộc hình sự một khi họ không còn đương chức. Nhưng dựa trên lập luận của Thẩm phán Tòa án Tối cao John Robert, người được cựu Tổng thống George W. Bush đề cử năm 2005, quyền miễn trừ đối với một cựu tổng thống cho những hành vi chính thức trong thời gian tại nhiệm phải mang tính “tuyệt đối”, ít nhất đối với việc họ thực hiện các quyền lực hiến pháp cốt lõi của mình. “Cựu Tổng thống không có quyền miễn trừ truy tố đối với hành động phi công vụ, và không phải mọi hành động của tổng thống đều là công vụ. Tổng thống không đứng trên luật pháp. Nhưng quốc hội không được hình sự hóa hành vi của tổng thống trong việc thực hiện trách nhiệm của nhánh hành pháp theo hiến pháp” - Thẩm phán Robert nêu rõ.

Cựu Tổng thống Trump ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao là “thắng lợi cho hiến pháp và nền dân chủ Mỹ”. Hiện ông Trump là ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa, nhưng cũng là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự và bị kết tội. Việc Tòa án Tối cao xử lý chậm trễ, cùng quyết định trả vụ việc của ông Trump cho tòa án cấp dưới để xem xét phạm vi miễn trừ đồng nghĩa trước ngày bầu cử 5-11, công tố viên đặc biệt Jack Smith không thể đưa chính trị gia 78 tuổi ra xét xử tại tòa liên quan cáo buộc phá hoại bầu cử năm 2020.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Deadline)

Chia sẻ bài viết