Cuộc tổng tuyển cử ngày 4-7 tới được dự báo sẽ giáng đòn khủng khiếp vào uy tín của đảng Bảo thủ, vốn luôn là một trong hai đảng chi phối chính trường Anh từ giữa thế kỷ 19. 14 năm cầm quyền liên tục của đảng Bảo thủ gần như chắc chắn chấm dứt ngay trong tuần này sau một “thất bại lịch sử”.
Thủ tướng Sunak (phải) và lãnh đạo Công đảng Keir Starmer tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần cuối vào tối 26-6. Ảnh: AP
Theo kết quả một cuộc thăm dò quy mô lớn công bố ngày 26-6, Công đảng đối lập có thể giành tới 450 ghế tại Hạ viện 650 ghế, trong khi đảng Bảo thủ chỉ được 60 ghế, thậm chí ít hơn đảng Dân chủ Tự do (71 ghế). Riêng Thủ tướng Rishi Sunak sẽ nằm trong số những ứng viên không giành được ghế nghị sĩ.
Một khảo sát khác thực hiện cho tờ the Economist thì dự báo Công đảng sẽ giành được 465 ghế; đảng Bảo thủ 76 ghế; đảng Dân chủ Tự do 52 ghế.
Hai tuần trước đó, thăm dò của hãng Survation dự đoán đảng Bảo thủ có thể chỉ giành được 72 ghế trong Hạ viện - mức thấp nhất trong lịch sử gần 200 năm của họ, còn Công đảng được 456 ghế.
Theo khảo sát của hãng Savanta, tỷ lệ ủng hộ Công đảng vào trung tuần tháng 6 là 46%, trong khi đảng Bảo thủ chỉ có 21%. Thế nên Chris Hopkins, giám đốc nghiên cứu chính trị của Savanta, đã phải lên tiếng cảnh báo: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cuộc bầu cử này có thể dẫn đến "sự tuyệt chủng" đối với đảng Bảo thủ”.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Sunak gây bất ngờ khi kêu gọi bầu cử sớm, trái ngược với kỳ vọng rằng ông sẽ đợi thêm thời gian cho đất nước phục hồi sau đợt lạm phát cao nhất trong 4 thập niên. Lý do được tiết lộ sau đó là vì ông Sunak cùng đội ngũ của mình không tin nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới sẽ kịp phục hồi trước thời điểm bắt buộc phải tổ chức bầu cử vào tháng 1-2025, nên đột ngột tổ chức bầu cử sớm sẽ khiến Công đảng không kịp chuẩn bị.
Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất vào năm 2019, đảng Bảo thủ dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Boris Johnson đã giành chiến thắng vang dội với 365 ghế ở Hạ viện, bỏ xa Công đảng (202 ghế). Tuy nhiên, năm 2022 ông Johnson - người dẫn dắt Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) - đã phải ngậm ngùi từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng nghĩa rời khỏi nhà số 10 Phố Downing, sau những đấu đá nội bộ cũng như cách hành xử bất cẩn của ông trong đại dịch COVID-19. Người thay thế ông Johnson là bà Liz Truss chỉ ngồi “ghế nóng” được 44 ngày, trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử xứ sương mù. Lý do ra đi của bà Truss là do những chia rẽ nội bộ xung quanh chương trình cải cách kinh tế.
Thủ tướng đương nhiệm Sunak nhậm chức tháng 10-2022 với nhiệm vụ nặng nề là đoàn kết nội bộ đảng Bảo thủ và ổn định kinh tế. Tuy nhiên, vị thủ tướng “siêu giàu”, “siêu trẻ” nhưng già dặn kinh nghiệm trong điều hành kinh tế (từng làm giám đốc ngân hàng, bộ trưởng tài chính) dường như không làm gì được nhiều. Trên lý thuyết, kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái do tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp vào nửa cuối năm 2023.