14/06/2024 - 23:50

Lấy đối ngoại át đối nội? 

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) diễn ra ở miền Nam nước Ý, Thủ tướng nước chủ nhà Giorgia Meloni không khỏi cảm thấy đơn độc, nhưng không phải vì bà là nhà lãnh đạo cực hữu duy nhất trong nhóm các nước giàu có nhất thế giới. Lý do Thủ tướng Meloni lạc lõng xuất phát từ việc bà là người duy nhất trong 7 nhà lãnh đạo còn giữ được tỷ lệ tín nhiệm trên 40%.

Các nhà lãnh đạo G7 cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Ảnh: New York Times

Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện có tỷ lệ ủng hộ 37% và viễn cảnh ông trụ thêm một nhiệm kỳ nữa không mấy sáng sủa khi mô hình dự đoán kết quả bầu cử Mỹ năm 2024 của tờ The Economist công bố ngày 12-6 cho thấy ông chỉ có 33% cơ hội tái đắc cử so với con số 66% của cựu Tổng thống Donald Trump.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận được mức ủng hộ 30% cùng những bất bình xuất hiện ngày càng nhiều trong công chúng sau 8 năm ông cầm quyền.

Tỷ lệ tán thành Thủ tướng Ðức Olaf Scholz hiện chỉ còn 25% và đảng Dân chủ Xã hội của ông vừa thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào thượng tuần
tháng 6.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak có cùng tỷ lệ tín nhiệm với người đồng cấp Ðức nhưng điều đáng lo là các cuộc thăm dò đều cho thấy ông nhiều khả năng phải rời khỏi nhà số 10 phố Downing sau cuộc bầu cử vào đầu tháng 7. Tờ New York Times thậm chí gọi chuyến đi Ý dự thượng đỉnh G7 lần này của ông Sunak là chuyến đi chia tay các
đồng nghiệp.

Nhưng tình cảnh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn bi đát hơn khi mức ủng hộ chỉ còn 21% và ông phải liều lĩnh đánh cược sinh mạng chính trị của mình bằng việc tổ chức bầu cử quốc hội sớm vào cuối tháng này sau khi đảng của ông thua đau trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua.

Trong các nhà lãnh đạo G7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida “đội sổ” với tỷ lệ tín nhiệm chỉ 13%. Với những lùm xùm trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, dự báo ông Kishida có thể mất chức vào mùa thu này.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, G7 thảo luận những vấn đề lớn của thế giới như xung đột Nga - Ukraine, chiến sự ở Gaza, sự cạnh tranh vị thế ngày càng gay gắt của Trung Quốc...

Ðể phản ánh một thế giới đang thay đổi, nước chủ nhà Ý mời lãnh đạo một số mền kinh tế đang lên như Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan... Tuy nhiên, các vị này cũng đang gặp nhiều thách thức trong nước. Thủ tướng Modi vừa giành được nhiệm kỳ thứ ba nhưng đảng của ông mất thế đa số trong quốc hội; còn đảng của Tổng thống Erdogan thì thụt lùi trong các cuộc bầu cử
địa phương...

Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ kết thúc vào hôm nay 15-6. Sau 3 ngày tạm quên “chuyện nhà” để thảo luận những vấn đề mang tầm quốc tế, các nhà lãnh đạo G7 và khách mời lại trở về đương đầu với những thách thức đang chờ đợi trong nước.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết