03/07/2024 - 22:44

Trung Quốc và khoảng trống quyền lực ở Trung Á 

Trong bối cảnh địa chính trị thay đổi và xuất hiện khoảng trống quyền lực ở Trung Á, Trung Quốc đang tăng cường cam kết bảo đảm lợi ích và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Chuyến công du Trung Á của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một phần trong chiến lược đó.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) tại sân bay thủ đô Astana. Ảnh: AFP

Ngày 2-7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thủ đô Astana của Kazakhstan để dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Chuyến công du kéo dài 5 ngày của ông Tập cũng bao gồm các chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Tajikistan.

Kể từ năm 2021, các nước cộng hòa thuộc Trung Á phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn từ bên trong lẫn bên ngoài. Xung đột biên giới và bất ổn nội bộ đã làm trầm trọng thêm tình trạng rối ren trong khu vực.

Với việc Nga chuyển hướng trọng tâm quân sự và chính trị sang Ukraine, vai trò lịch sử của Mát-xcơ-va với tư cách là bên bảo đảm an ninh ở Trung Á đã suy giảm, tạo ra khoảng trống mà Trung Quốc đang mong muốn lấp đầy.

Việc ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Á bị suy giảm, đặc biệt là sau khi quân đội nước này rút khỏi Afghanistan, cũng là một cơ hội chiến lược để Bắc Kinh nâng cao vai trò trong khu vực.

Lợi ích của Bắc Kinh

Tích cực tham gia vào Trung Á là bước đi có tính toán nhằm đảm bảo lợi ích của Trung Quốc giữa lúc những động lực đang thay đổi. Bắc Kinh muốn tận dụng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị của mình để khẳng định sự hiện diện mạnh mẽ hơn, khai thác tầm quan trọng chiến lược cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của khu vực.

Trung Á có trữ lượng tài nguyên năng lượng khổng lồ, bao gồm khí đốt và dầu mỏ vốn rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã mở rộng các khoản vay đáng kể cho Turkmenistan và Kazakhstan, củng cố vai trò đối tác kinh tế quan trọng của nước này. Ashgabat nhận được 3 tỉ USD, trong khi Astana nhận 10 tỉ USD theo thỏa thuận “cho vay để đổi lấy dầu”, tạo điều kiện cho Bắc Kinh tiếp cận trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào của 2 nước này.

Các dự án cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn khí đốt Trung Quốc - Trung Á và đường ống dẫn dầu thô Trung Quốc - Kazakhstan cho thấy Bắc Kinh tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung năng lượng từ khu vực.

Các nước Trung Á cũng đóng vai trò là tuyến đường trung chuyển quan trọng cho sáng kiến ​​“Vành đai, Con đường” (BRI), dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối và thương mại giữa nước này và châu Âu. Hơn một thập niên trước, ông Tập đã tận dụng chuyến thăm chính thức tới Kazakhstan để khởi động BRI, dự án mà chỉ riêng Kazakhstan đã đón nhận khoản đầu tư hơn 9,5 tỉ USD kể từ năm 2013.

Theo báo cáo của ngân hàng Euronet năm 2023, Trung Quốc đã vượt Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Á.

Tái điều chỉnh cách tiếp cận

Để lấp vào khoảng trống quyền lực trong khu vực, Trung Quốc đang điều chỉnh lại cách tiếp cận với Trung Á. Theo truyền thống, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc đối với Trung Á được tiến hành thông qua các cuộc gặp song phương và dưới sự bảo trợ của SCO. Tuy nhiên, năm ngoái đã có sự thay đổi khi Trung Quốc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần đầu tiên tại thành phố Tây An.

Hội nghị thượng đỉnh Tây An cho phép Trung Quốc nhấn mạnh quan hệ lâu nay với Trung Á và cam kết phát triển khu vực. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết viện trợ phát triển trị giá hàng tỉ USD, tập trung vào giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển xanh. Ông cũng kêu gọi mở rộng kết nối khu vực và tăng cường hợp tác năng lượng.

Bằng cách tổ chức các hội nghị cấp cao như vậy, Trung Quốc muốn thể chế hóa quan hệ với các nước Trung Á và củng cố ảnh hưởng trong khu vực.

Về phần mình, các nước Trung Á đặt mục tiêu duy trì chính sách đối ngoại “đa hướng” nhằm duy trì quan hệ tốt đẹp với Nga, Trung Quốc, phương Tây và các nước láng giềng khác. Cách tiếp cận này cho phép họ điều hướng bối cảnh địa chính trị phức tạp và tránh chọn phe trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo Firstpost, Guardian)

 

Chia sẻ bài viết