Bỏ qua các đồng minh truyền thống, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn Trung Đông làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 13 đến 16-5. Quyết định này là tín hiệu về sự thay đổi trong các ưu tiên rộng lớn hơn của Nhà Trắng, chú trọng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược ở Trung Đông hơn là mối quan hệ thương mại và an ninh sâu sắc của khu vực Bắc Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị thực hiện chuyến đi vòng quanh các nước vùng Vịnh vào tuần này. Ảnh: Reuters
Ở nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump cũng chọn các đồng minh thân cận vùng Vịnh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Theo Bộ Ngoại giao, kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Mexico và Canada là điểm đến nước ngoài đầu tiên hoặc thứ hai của hầu hết mọi tổng thống Mỹ. “Sự lạnh nhạt” với 2 quốc gia vốn là nền tảng của thương mại và an ninh Bắc Mỹ cho thấy thực tế Tổng thống Trump không đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ khu vực.
Trong cuộc họp với Thủ tướng Canada Mark Carney mới đây, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar sau chặng dừng chân đầu tiên ở Saudi Arabia. Đây cũng là 2 nước làm trung gian hòa giải các cuộc xung đột mà Nhà Trắng đang muốn nhanh chóng giải quyết.
Theo thành viên cấp cao Brian Katulis tại Viện Trung Đông, vùng Vịnh hiện là “chốt chặn chiến lược” đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu, kết nối Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Đây là tầm nhìn mới và khác biệt so với cách người Mỹ nghĩ về Trung Đông, nơi gắn liền với chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố.
So với căng thẳng chính trị có thể xảy ra trong các chuyến thăm tới Canada, Mexico hay Vương quốc Anh, sự chào đón nồng nhiệt của vùng Vịnh là động lực và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các mục đích thương lượng của Nhà Trắng. Bên cạnh đó, việc Saudi Arabia và một số quốc gia khác ở Trung Đông sở hữu nguồn tài sản khổng lồ từ các quỹ dầu mỏ và khí đốt cũng đang thúc đẩy mối quan tâm của Tổng thống Trump đối với các thỏa thuận kinh tế.
Nói với đài NBC News, một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước sở tại về đầu tư và hợp tác kinh tế, bởi lẽ “một Trung Đông an toàn và ổn định đồng nghĩa sự thịnh vượng hơn cho các quốc gia đối tác cũng như của chính nước Mỹ”.
Trước đó, trong cuộc điện đàm đầu tiên với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ yêu cầu vương quốc giàu dầu mỏ đẩy mạnh đầu tư vào Mỹ bằng cách tăng nguồn ngân sách 600 tỉ USD theo cam kết ban đầu lên khoảng 1.000 tỉ USD. Gần đây, Nhà Trắng cũng tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác vùng Vịnh để tìm hiểu về đầu tư kinh tế, năng lượng và an ninh. Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, 100 ngày đầu tiên của chính quyền tập trung vào việc “chuẩn bị” cho các thỏa thuận hòa bình, thương mại cùng thuế quan và 100 ngày tiếp theo sẽ là thời điểm “thu hoạch”.
Theo nhóm chuyên gia Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), chuyến công du của Tổng thống Trump là chuyến đi về chính sách kinh tế nhưng không có cách nào tránh được các vấn đề địa chính trị. Trong đó, các cuộc đàm phán hạt nhân Iran và xung đột ở Biển Đỏ có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Về chiến sự ở Dải Gaza, có thể có giai đoạn tạm dừng giao tranh trong thời gian Tổng thống Trump có mặt tại khu vực. Song, hội nghị thượng đỉnh ở vùng Vịnh sẽ không tạo ra bất kỳ cơ hội nào để thúc đẩy lệnh ngừng bắn toàn diện bởi theo giới quan sát, hiện không phải thời điểm thuận lợi để đàm phán hoặc nói về bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia- Israel.
Trong diễn biến liên quan, hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin giấu tin tiết lộ Mỹ không còn yêu cầu Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel như điều kiện trong các cuộc đàm phán hợp tác hạt nhân dân sự. Đây sẽ là một nhượng bộ lớn của Washington. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, các cuộc đàm phán hạt nhân là yếu tố quan trọng trong thỏa thuận rộng hơn giữa Washington và Riyadh liên quan đến bình thường hóa và mục tiêu của nước này thúc đẩy hiệp ước quốc phòng với Mỹ.
Ngoài kinh tế và yếu tố địa chính trị, giới quan sát cho biết chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ 2 đang cho thấy những xung đột lợi ích rõ ràng. Cụ thể, Giám đốc chương trình Dân chủ hóa Chính sách đối ngoại Ben Freeman tại Viện Quincy cho biết hàng tỉ USD từ Saudi Arabia đã âm thầm chảy vào các công ty do tổng thống, gia đình ông và những người thân cận khác sở hữu trong nhiều năm. Sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, Saudi Arabia một lần nữa bắt đầu đổ vào “thế giới Trump” thông qua các dự án hợp tác trị giá hàng tỉ USD với Tập đoàn Trump Organization. Cùng với những lợi ích đó, ông Freeman cảnh báo người nộp thuế Mỹ có thể phải trả giá cả về mặt tài chính lẫn an ninh.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Council on Foreign Relations)