17/05/2025 - 08:30

Phòng, chống sạt lở trong mùa mưa, bão, cần giải pháp căn cơ 

Hằng năm, vào thời điểm chuyển mùa, đầu mùa mưa, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch càng thêm nghiêm trọng. Nguyên nhân, do quá trình đô thị hóa, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BÐKH), lượng phù sa bồi lắng bờ sông, kênh, rạch ngày càng ít... Công tác khắc phục sạt lở, ổn định cuộc sống cho người dân ven sông, rạch rất cần các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Điểm sạt lở tại phường Long Hưng sáng 13-5 làm sụp hoàn toàn đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân.

Nguy hiểm từ sạt lở

Mới đây, khoảng 3 giờ sáng 13-5-2025, trên địa bàn phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) xảy ra sạt lở bờ sông, làm sụp đổ đường giao thông, ảnh hưởng đi lại của người dân địa phương. Điểm sạt lở trên tại đường giao thông nông thôn liên khu vực Long Định - Long Thành, phường Long Hưng, với chiều dài sạt lở khoảng 46m, làm đứt hoàn toàn đường giao thông nhựa, gây gián đoạn việc đi lại của người dân. Rất may, vụ sạt lở không gây ảnh hưởng về người. Ngành chức năng quận Ô Môn và phường Long Hưng có mặt kịp thời và huy động lực lượng cứu hộ rào chắn, dựng biển cấm, đèn cảnh báo và phân luồng giao thông tại khu vực sạt lở. Địa phương đã khảo sát, mở rộng đoạn đường khác để người dân đi lại, đồng thời báo cáo tình trạng sạt lở đến ngành chức năng quận Ô Môn và TP Cần Thơ để có biện pháp khắc phục.

Bà Văn Thị Bé Bảy, nhà gần khu vực sạt lở, cho biết: “Khi chúng tôi đang ngon giấc thì nghe tiếng đổ sụp đất cặp bờ sông. Mọi người ra xem thì phát hiện đường giao thông sụp đổ xuống sông. Đây là tuyến đường nằm cặp bờ sông nên từng xảy ra nhiều vụ sạt lở, ảnh hưởng giao thông tại địa phương. Tại khu vực sạt lở này, mấy ngày trước xuất hiện dấu hiệu nên bà con địa phương cắm cọc cảnh báo, nhờ đó khi sạt lở xảy ra không ảnh hưởng tính mạng người dân. Chúng tôi rất mong ngành chức năng thành phố sớm gia cố, khắc phục sạt lở để phục hồi đường giao thông, tạo thuận lợi cho người dân địa phương đi lại, vận chuyển hàng hóa…”.

Ngoài vụ sạt lở trên, từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ còn ghi nhận một đợt thiên tai là triều cường lên cao, mực nước đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu là 1,83m (vượt mức báo động I là 0,03m, xuất hiện lúc 19 giờ ngày 2-4-2025). Đợt triều cường bất thường này đã làm ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều, gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao thông... Ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: “Văn phòng thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai trên địa bàn và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của các địa phương để tham mưu, đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét, bố trí nguồn kinh phí từ Quỹ phòng, chống thiên tai của thành phố để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều công trình khẩn cấp phòng chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch cũng được triển khai thực hiện, góp phần khắc phục sạt lở, chỉnh trang đô thị và ổn định cuộc sống người dân…”.

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, vào thời gian chuyển mùa, đầu mùa mưa như hiện nay (từ mùa khô sang mùa mưa) thường xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Bởi, vào mùa khô mực nước xuống thấp làm giảm độ kết dính của đất; sang mùa mưa, đất bị xâm thực nước, đặc biệt là đất ven sông, rạch thêm nước mưa thấm vào, tăng trọng lực và tạo dòng chảy nên dễ dẫn đến hiện tượng sạt lở. Tại TP Cần Thơ, từ năm 2010-2024, trên địa bàn xuất hiện trên 300 điểm sạt lở với chiều dài trên 10km. Riêng trong năm 2024, sạt lở bờ sông, kênh, rạch gây thiệt hại khá nhiều, xảy ra 27 đợt tại các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Cờ Đỏ, Cái Răng, Thới Lai, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho, sạt một phần và ảnh hưởng 35 căn nhà, không có thiệt hại về người. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở là 911m, với tổng thiệt hại trên 15 tỉ đồng. Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.

Giải pháp ứng phó

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, thời gian qua, sạt lở bờ sông xuất hiện ngày càng nhiều do ảnh hưởng BĐKH, dòng chảy trên sông thay đổi, mùa nước thì nước dâng cao, mùa khô nước rút cạn làm giảm độ kết dính của đất nên xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông. TP Cần Thơ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng này, do đó khắc phục sạt lở bờ sông, kênh, rạch bằng dự án công trình (kè kiên cố) và phi công trình (kè sinh học) là giải pháp hữu hiệu, cần thiết nhất cho việc bảo vệ bờ sông, phát triển đô thị, du lịch...

Hiện nay, TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều dự án kè chống sạt lở trên sông. Điển hình, công trình xây dựng khẩn cấp kè chống sạt lở kênh Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) được khởi công xây dựng vào cuối năm 2024 tại xã Vĩnh Trinh đang tận dụng điều kiện con nước xuống thấp để đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp kênh Cái Sắn có chiều dài 912m, với tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng do Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Đến nay, tiến độ thi công của dự án đã đạt khối lượng công trình theo yêu cầu. Chủ đầu tư cũng yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục tập trung nhân công, thiết bị, máy móc, tận dụng điều kiện những tháng mực nước đang ở mức thấp để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình theo kế hoạch đề ra. Ngày 3-4-2025, TP Cần Thơ cũng triển khai thi công kè chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đoạn qua địa bàn phường Thới An (quận Ô Môn) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 130 tỉ đồng. Công trình xây dựng tại đoạn từ đối diện Rạch Ranh đến Rạch Tầm Vu, thuộc khu vực Thới Trinh B, phường Thới An, quận Ô Môn. Chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ. Công trình có tổng kinh phí dự kiến khoảng 130 tỉ đồng và được xác định là công trình khẩn cấp nhằm phòng, chống sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước. Tuyến kè có chiều dài 650m, xây dựng theo phương án kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp thảm đá gia cố mái chống xói lở. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến 2026, nguồn vốn sẽ được bố trí từ ngân sách thành phố theo kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Thời điểm này mưa đã xuất hiện, các địa phương cần chủ động tổ chức kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão, lốc xoáy; các nơi có nguy cơ sạt lở cao gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân... Từ đó, chính quyền địa phương kiên quyết tổ chức di dời người dân ở những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh, rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng lấn chiếm sông, kênh, rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất các giải pháp khắc phục sạt lở ở khu vực đã và có nguy cơ xảy ra sạt lở để Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN đề xuất UBND thành phố có hướng xử lý kịp thời…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết