Phát biểu trong chương trình của đài Fox News hôm 15-5, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio bày tỏ tin tưởng tất cả thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ sớm đạt đồng thuận về mục tiêu chi ngân sách quốc phòng tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khi các bên tham gia Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Hà Lan vào tháng 6 tới.

Các Bộ trưởng Ngoại giao NATO vừa có cuộc họp tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: NATO
Trước đó, tại cuộc họp với ngoại trưởng những nước thành viên còn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Rubio nhấn mạnh yêu cầu của Mỹ tăng cường đầu tư quốc phòng giữa các đồng minh khi Washington tập trung vào các thách thức an ninh bên ngoài châu Âu. Cũng trong cuộc họp này, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đồng ý khối quân sự lớn nhất thế giới cần chi tiêu nhiều hơn, đảm bảo mục tiêu đầu tư và tăng cường các trang thiết bị vũ khí đối phó chủ nghĩa khủng bố, mối đe dọa từ Nga cũng như Trung Quốc.
Hồi năm 2023, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí chi ít nhất 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Hiện chỉ mới 22 trong số 32 quốc gia thành viên thực hiện cam kết, trong khi trước áp lực của Mỹ, các phiên họp của NATO gần đây bắt đầu tập trung vào khả năng triển khai kế hoạch chi tiêu mới. Theo đề xuất, tất cả đồng minh phấn đấu tới năm 2032 chi 3,5% GDP cho ngân sách quốc phòng và 1,5% bổ sung cho các hạng mục liên quan như đường sá, cầu, sân bay và cảng biển.
Về tổng giá trị tuyệt đối, Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp lớn nhất cho NATO với chi tiêu quốc phòng chiếm 64% ngân sách quân sự toàn khối. Dù vậy, ngay cả Washington cũng chưa đạt được mục tiêu chi 5% GDP cho quốc phòng như yêu cầu của Tổng thống Donald Trump đặt ra cho các nước đồng minh. Năm ngoái, Mỹ chi 3,19% GDP cho quốc phòng, xếp sau các nước ở sườn phía Đông là Ba Lan, Estonia và Lithuania gần Nga.
Vì vậy, giới quan sát dự đoán sẽ rất khó để xác định có bao nhiêu thành viên có thể đạt mục tiêu mới, nhất là khi khung thời gian được ấn định ngắn hơn so với tiêu chuẩn thông thường của liên minh. Tính đến nay, các nước bao gồm Bỉ, Canada, Croatia, Ý, Luxembourg, Montenegro, Bồ Đào Nha, Slovenia và Tây Ban Nha thậm chí còn chưa đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng của năm 2024.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Johann Wadephul tuần này đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu của Tổng thống Trump. Động thái này phát đi tín hiệu về khả năng Berlin sẽ gây thêm áp lực cho các đồng minh châu Âu khác nhằm đạt thỏa thuận về chi tiêu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra ở La Haye trong hai ngày 24 và 25-6. Hồi tháng 1, Đức cũng tuyên bố đã đạt được mục tiêu của NATO chi 2% GDP cho quốc phòng.
Tranh luận về chi tiêu quốc phòng “nóng” lên giữa thời điểm châu Âu đang đứng trước nhiều thách thức chưa từng có, buộc khu vực phải định hình lại như một thực thể cường quốc quân sự tự chủ. Đặc biệt trước nhịp độ và tốc độ mà lực lượng Nga đang điều chỉnh hiện nay, Ngoại trưởng Litva Kęstutis Budrys cho biết nước này đang thúc giục các đối tác NATO đạt được các mục tiêu đầu tư sớm hơn năm 2032.
MAI QUYÊN (Theo AP, Reuters)