15/05/2025 - 21:48

Trung Quốc “ve vãn” Mỹ Latinh 

Trong bối cảnh Mỹ thắt chặt các hạn chế thương mại đối với một số quốc gia Mỹ Latinh, Trung Quốc đang âm thầm giành được chỗ đứng và tự định vị là đối tác ổn định của khu vực.

Hôm 13-5, trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ IV của Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (Trung Quốc - CELAC) diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố hạn mức tín dụng mới trị giá 66 tỉ nhân dân tệ (tương đương 9,2 tỉ USD) cho các nước thành viên CELAC, như một phần trong nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. “Mặc dù Trung Quốc nằm xa khu vực Mỹ Latinh và Caribe nhưng 2 bên có lịch sử lâu đời về các cuộc trao đổi hữu nghị” - Chủ tịch Tập nhấn mạnh.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và ngũ cốc, năng lượng và khoáng sản, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như năng lượng sạch, mạng không dây 5G, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ nhập khẩu các sản phẩm chất lượng cao hơn từ các nước Mỹ Latinh và Caribe, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào khu vực này. Ðáng chú ý, Trung Quốc cũng đã quyết định áp dụng chính sách miễn thị thực cho 5 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe và sẽ mở rộng chính sách này sang nhiều quốc gia khác trong khu vực.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo CELAC tham dự cuộc họp hôm 13-5. Ảnh: Nytimes

 

Ðề cập đến chính sách hiện nay của Mỹ, ông Tập nhắc lại quan điểm không có bên thắng trong cuộc chiến thương mại, cho rằng “sự bắt nạt hay bá quyền chỉ dẫn đến tự cô lập. Trong tình thế này, Chủ tịch Tập tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng “bắt tay” với các nước Mỹ Latinh “trước những luồng ngầm sôi sục của cuộc đối đầu chính trị và phe nhóm cùng làn sóng chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ đang dâng cao”. Phát biểu này cho thấy Trung Quốc vẫn còn tức giận trước các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ dù hai nước vừa đạt được thỏa thuận cắt giảm thuế quan trong thời hạn 90 ngày.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra nhiều hỗn loạn, chiến lược nhất quán của Bắc Kinh trái ngược hoàn toàn so với cách tiếp cận thất thường của Washington. Vladimir Rouwinski, phó giáo sư tại Ðại học Icesi (Colombia), cho rằng những thay đổi liên tục trong chính sách của Mỹ khiến các nước Mỹ Latinh khó có thể thích ứng. Ngược lại, Trung Quốc dường như cam kết với chiến lược dài hạn của nước này và “có khả năng Trung Quốc mở rộng sự hiện diện một cách nhanh chóng và sử dụng Mỹ Latinh làm trụ cột chiến lược”.

Ðồng quan điểm, Enrique Dussel-Peters, điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Mexico - Trung Quốc thuộc Ðại học Tự trị Quốc gia Mexico, nhận thấy khoảng cách giữa Mỹ và Mỹ Latinh ngày càng xa. Trái lại, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc lại “rất tích cực” trong chiến lược hợp tác với các quốc gia trong khu vực. “Trong cuộc đối đầu hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh đã chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy và lâu dài hơn” - ông Dussel-Peters cho biết.

Chưa kể, 2 siêu cường nói trên có quan điểm khác nhau về các quốc gia trong khu vực. Mauricio Santoro, nhà khoa học chính trị người Brazil, nói rằng Washington coi Mỹ Latinh là một vấn đề trong khi Bắc Kinh coi đây là một khu vực đầy cơ hội kinh tế. “Chương trình nghị sự của Mỹ đối với khu vực này rất tiêu cực, tập trung vào các vấn đề mà không đưa ra nhiều thỏa thuận cùng có lợi hoặc triển vọng dài hạn” - ông Santoro cho hay.

Chính lập trường nói trên của Mỹ đã khiến các nước Mỹ Latinh ngày càng xích lại gần Trung Quốc. Theo đài DW, Brazil, nền kinh tế lớn nhất của Mỹ Latinh, đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến đường sắt lớn đến siêu cảng Chancay (Peru) trên Thái Bình Dương. Dự án được Trung Quốc tài trợ này được triển khai nhằm mục đích tái cơ cấu các tuyến đường thương mại của cường quốc châu Á này và giảm sự phụ thuộc vào các tuyến vận chuyển truyền thống trên Ðại Tây Dương.

Colombia cũng được cho là đang cân nhắc tham gia vào sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. Về phần mình, Venezuela đang tích cực theo đuổi mối quan hệ sâu sắc hơn với các công ty dầu mỏ của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quốc gia Mỹ Latinh vẫn chưa sẵn sàng chọn “ngã” về bên nào nhưng một xu hướng rất rõ ràng rằng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đang mờ dần trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực Mỹ Latinh và Caribe, đồng thời là đối tác số một của các quốc gia như Chile, Brazil và Peru. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đã lần đầu vượt 500 tỉ USD vào năm 2024, gấp hơn 40 lần so với thời điểm đầu thế kỷ này. Đáng chú ý, 2/3 các quốc gia trong khu vực đã tham gia sáng kiến BRI của Trung Quốc.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết