03/05/2025 - 12:50

Trung Quốc nỗ lực “quyến rũ” EU 

Trong nỗ lực nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, Trung Quốc được cho đang có kế hoạch nới lỏng lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ châu Âu trong bối cảnh Bắc Kinh phải vật lộn với mức thuế lên tới 145% mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng xuất khẩu của quốc gia Ðông Á này. Song, giới phân tích cho rằng khó có khả năng một thỏa thuận đầu tư bị đóng băng sẽ được khôi phục trở lại.


Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4-2023. 
Ảnh: Reuters

 

Theo tờ DW (Ðức), năm 2021, sau khi Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt lên 4 quan chức Trung Quốc và 1 tổ chức vì cáo buộc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, Bắc Kinh trong động thái đáp trả tuyên bố đưa 10 cá nhân và 4 tổ chức của khối này, gồm 4 nghị sĩ châu Âu đương nhiệm, vào danh sách đen mà Trung Quốc cáo buộc “có ý phát tán thông tin sai lệch và nói dối”. Theo đó, họ bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc và làm ăn với Bắc Kinh. Và chính lệnh trừng phạt này đã đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận thương mại và đầu tư được EU ký với Trung Quốc vào cuối năm 2020 sau 35 vòng đàm phán kể từ năm 2013.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn viết lại trật tự toàn cầu, thỏa thuận trên giữa Brussels và Bắc Kinh có thể được “sống” lại. Một phát ngôn viên của Nghị viện châu Âu gần đây tiết lộ, các cuộc thảo luận với Chính phủ Trung Quốc về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nhà lập pháp nói trên vẫn “đang tiếp tục và đang trong giai đoạn cuối”. “Nghị viện châu Âu luôn có ý định dỡ bỏ lệnh trừng phạt và nối lại quan hệ với Trung Quốc” - người này cho biết thêm.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có dỡ bỏ mọi hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt hồi năm 2021 hay không nhưng động thái này có thể giúp các nghị sĩ châu Âu dễ dàng hơn trong việc đến nước này để đàm phán trong tương lai. Miriam Lexmann, một trong những nghị sĩ châu Âu bị Trung Quốc trừng phạt, nói rằng sự thay đổi này “trên thực tế không có ý nghĩa gì” đối với công việc của bà, qua đó tuyên bố sẽ tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt sẽ đánh dấu sự thay đổi trong lập trường chính trị của Bắc Kinh. “Ðộng thái này sẽ thúc đẩy kỳ vọng về sự hòa hoãn giữa EU và Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tháng 7 tại Bắc Kinh” - Noah Barkin, nghiên cứu viên tại Quỹ Marshall Ðức, nhận định.

Ðồng quan điểm, Varg Folkman, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu, cho rằng mục tiêu chính của Trung Quốc trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ châu Âu có thể mở đường cho các cuộc thảo luận thương mại giữa Bắc Kinh và Brussels. “Sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, Trung Quốc đã có một cuộc tấn công quyến rũ để thuyết phục các tác nhân toàn cầu rằng họ nên coi Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy” - ông Folkman nhận định.

Thật ra, không riêng gì Trung Quốc muốn “quyến rũ” EU. Ở chiều ngược lại, Brussels cũng đang tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn với Bắc Kinh để giám sát dòng chảy thương mại và ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào lục địa già trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh không có dấu hiệu hạ nhiệt. Song, ông Folkman cho rằng triển vọng xích lại gần nhau hơn giữa Trung Quốc và EU đang phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga. Ðáng chú ý, cả 2 ông Barkin và Folkman đều không nghĩ rằng việc khôi phục lại thỏa thuận nói trên có bất kỳ triển vọng thực sự nào. Theo ông Folkman, phản ứng của EU sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ đi tới đâu trong việc đảo ngược các hạn chế mà nước này áp đặt.

Ngay cả nhà nghiên cứu Weinian Hu, người gần đây có bài xã luận cho rằng thỏa thuận này xứng đáng có “cơ hội thứ hai”, cũng cho rằng việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ châu Âu sẽ chỉ có tác động “hạn chế” đến hy vọng của Bắc Kinh về mối quan hệ thương mại tốt đẹp hơn với Brussels.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây tuyên bố, EU sẽ không cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc để đổi lấy một thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Trump. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh có thông tin cho rằng Nhà Trắng đang hối thúc các quốc gia có “câu trả lời” về việc này. Dù Mỹ chưa chính thức xác nhận yêu cầu trên nhưng ông Trump đã không ít lần thể hiện quan điểm buộc các quốc gia phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh để đạt được những nhượng bộ lâu dài liên quan loạt thuế quan diện rộng do chính quyền ông ban hành, vốn đã gây sốc cho cả các đồng minh lẫn đối thủ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết