Singapore, quốc gia nằm ở vùng trũng thấp, lâu nay không còn xa lạ với những công viên, đường hầm hay đường phố ngập sâu tới đầu gối. Mặc dù tình trạng lũ lụt tại đảo quốc sư tử gây ra gánh nặng nhưng lại không mang lại mối đe dọa lớn nào cho người dân hay tài sản của họ. Song, những trận lũ lụt gần đây ở quốc đảo nhỏ bé được coi là điềm báo cho những điều tồi tệ hơn nhiều sắp xảy ra.

Bản phác thảo Long Island bằng trí tuệ nhân tạo của URA. Ảnh: URA
Theo dự báo mới nhất của Chính phủ Singapore, mực nước biển xung quanh quốc gia Ðông Nam Á này có thể dâng cao 1,15 mét vào cuối thế kỷ này. Và trong bối cảnh tình trạng phát thải ngày càng tăng thì mực nước biển có thể dâng cao tới 2 mét vào năm 2150. Kết hợp với triều cường dâng cao, mực nước biển khi đó có thể vượt quá mực nước biển hiện nay tới 5 mét.
Trước viễn cảnh đó, Singapore đã đề xuất giải pháp nhằm tạo nên một chuỗi đảo nhân tạo dài khoảng 13km đóng vai trò như một bức tường chắn bảo vệ toàn bộ bờ biển phía Ðông Nam rộng gần 50km của nước này. Với tên gọi tạm thời “Long Island”, dự án có thể sẽ mất hàng thập niên và hàng tỉ USD để hoàn thành. Theo kế hoạch, khu đất có diện tích khoảng 7,8km² từ Eo biển Singapore sẽ được khai hoang để phục vụ cho dự án.
Thật ra, ý tưởng trên đã có từ đầu những năm 1990 nhưng đến tận năm 2023, Cơ quan Tái phát triển Ðô thị (URA) Singapore mới công bố bản thiết kế ban đầu. Hiện Singapore đang tiến hành các nghiên cứu về kỹ thuật và môi trường, tức hình dạng và vị trí đặt đảo nhân tạo nói trên có thể được thay đổi. Song, giới chức Singapore tin rằng dự án vẫn sẽ được triển khai cuối thế kỷ này. “Ðây là một đề xuất rất tham vọng nhưng nó thực sự là một minh chứng cho thấy Singapore luôn chú trọng đến quy hoạch dài hạn trong mọi lĩnh vực” - Adam Switzer, giáo sư khoa học ven biển tại Ðại học Công nghệ Nanyang, nhận định.
Theo Ðài CNN, kế hoạch của URA không chỉ tạo ra hơn 19km công viên ven sông mới mà còn bổ sung đất đai cho các mục đích dân cư, giải trí và thương mại. Lee Sze Teck, chuyên gia tư vấn tại công ty bất động sản Huttons Asia, cho rằng Long Island có “tiềm năng xây dựng từ 30.000-60.000 căn nhà” với nhiều loại hình, từ nhà ở thấp tầng đến các tòa nhà cao tầng, từ đó có thể phục vụ cộng đồng theo nhiều cách khác nhau giữa lúc đất đai ở Singapore, một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, nổi tiếng là khan hiếm.
Chưa kể, dự án trên còn góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước của Singapore. Dù có khí hậu nhiệt đới và mạnh tay đầu tư vào các nhà máy khử muối, Singapore từ lâu vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nước nhập khẩu từ Malaysia. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức tiêu thụ nước của Singapore dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2065, việc tự cung tự cấp nước đang là ưu tiên địa chính trị của Singapore. Theo thiết kế, Long Island sẽ tạo ra một hồ chứa nước mới khổng lồ bằng cách kết nối với đất liền ở mỗi đầu, qua đó giúp giữ lại lượng nước ngọt thay vì xả ra biển, từ đó có thể “đóng góp đáng kể” vào nhu cầu tiêu thụ nước đang tăng cao của Singapore.
Theo CNN, Chính phủ Singapore nhiệt tình ủng hộ Long Island như một minh chứng cho tầm nhìn dài hạn của mình. Còn nhớ, nguyên Thủ tướng Lý Hiển Long năm 2019 phát biểu rằng để bảo vệ đất nước khỏi mực nước biển dâng cao, Singapore có thể phải đầu tư tới 78 tỉ USD trong thế kỷ tới. Ðầu năm nay, đảng Hành động Nhân dân cầm quyền còn đưa Long Island lên vị trí nổi bật trong cương lĩnh tranh cử của đảng này. Bản thân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự án.
Không riêng gì Singapore, Indonesia cũng đã đề xuất xây dựng một bức tường chắn biển khổng lồ bảo vệ thủ đô Jakarta. Về phần mình, Thái Lan và Maldives đề xuất xây dựng đảo nhân tạo để ứng phó với mực nước biển dâng. Còn tại Đan Mạch, dự án xây dựng bán đảo nhân tạo rộng 113 héc-ta để bảo vệ thủ đô Copenhagen khỏi tình trạng lũ lụt nghiêm trọng đã bắt đầu vào năm 2022 dù phải đối mặt với sự phản đối của công chúng.
TRÍ VĂN