20/07/2025 - 18:48

Trung Đông trước tác động từ nguồn viện trợ giảm 

Sau đợt các quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho viện trợ và phát triển trên thế giới giảm ngân sách, hàng loạt tổ chức ở Trung Ðông buộc phải tìm kiếm nhà tài trợ mới với những điều kiện được cho sẽ khắt khe hơn.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh tạm dừng ngân sách đối với mô hình viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong thời hạn 90 ngày. Tính từ thời điểm đó, Nhà Trắng đã cắt giảm 83% các chương trình của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tương đương 59,7 tỉ USD viện trợ cho 130 quốc gia và chuyển những chương trình còn lại cho Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét.

Cắt giảm ODA là xu hướng dài hạn và Mỹ không phải nước duy nhất theo đuổi chủ trương này. Trong năm 2024, ODA toàn cầu giảm hơn 7% khi Anh và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thu hẹp ngân sách để chi nhiều hơn vào quốc phòng. Năm 2024 cũng đánh dấu lần đầu tiên sau gần 30 năm, các nhà tài trợ lớn như Pháp, Ðức, Anh và Mỹ đều giảm ODA.

Trung Đông gánh chịu hậu quả nặng nề

Thực tế, các nước Trung Ðông phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài của Mỹ để duy trì kinh tế và giải quyết khủng hoảng nhân đạo. Trong giai đoạn 2014-2024, Mỹ đã cam kết viện trợ tổng cộng 106,8 tỉ USD cho các nước như Ai Cập, Iraq, Israel, Jordan, Lebanon, Lãnh thổ Palestine, Sudan, Syria và Yemen.

Với tình hình cắt giảm ODA hiện nay, chưa rõ Trung Ðông sẽ thiệt hại bao nhiêu nhưng chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nhân đạo vốn đã bấp bênh ở một số nơi. Ðơn cử như Sudan, quốc gia đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới khi hơn 62% dân số cần viện trợ lương thực và nước uống khẩn cấp. Tương tự, Yemen sẽ mất nguồn tài trợ cho các dự án cung cấp thuốc men, thực phẩm, dịch vụ vệ sinh và nước uống cho người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột.


Việc cắt giảm hàng tỉ USD tài trợ của USAID khiến các hoạt động cứu trợ nhân đạo toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Ảnh: AFP

 

Tại Lãnh thổ Palestine, hơn 383 triệu USD tài trợ của USAID bị đóng băng đang cản trở các dịch vụ nhân đạo thiết yếu và cấp bách ở Dải Gaza. Trong khi đó, việc tạm dừng viện trợ tại Lebanon buộc Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc phải cắt giảm các chương trình dinh dưỡng trong bối cảnh hơn 50% trẻ em dưới 2 tuổi ở miền Ðông nước này chịu cảnh nghèo đói trầm trọng. Cuối cùng, tại Syria, việc cắt giảm viện trợ cho các dịch vụ tại những trại tị nạn và cơ sở giam giữ thành viên tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể đe dọa tính ổn định chính trị và an ninh khu vực.

Đa dạng hóa quan hệ đối tác

Theo thông tin gần đây, Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga Rossotrudnichestvo sẽ tái cấu trúc với phạm vi hoạt động tương tự USAID. Sắp tới, Rossotrudnichestvo có kế hoạch mở cơ quan đại diện tại Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Nhưng với ngân sách 70 triệu USD/năm, mục tiêu của Nga lấp đầy khoảng trống của USAID sẽ phải vượt qua những rào cản về hiệu quả nội bộ.

Trung Quốc cũng là lựa chọn thay thế khác, đặc biệt khi Bắc Kinh định vị mình là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực phát triển toàn cầu. Nhưng giống như Nga, Trung Quốc trước nay không đóng vai trò quan trọng trong hệ thống viện trợ nhân đạo quốc tế và điều này khó thay đổi trong thời gian tới.

Ðể giải quyết nhu cầu trước mắt, EU đồng ý cấp cho Jordan gói ngân sách trị giá 3,3 tỉ USD bao gồm các khoản tài trợ, đầu tư và hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô. Liên minh này cũng cam kết rót 6,3 tỉ USD cho Syria và các nước láng giềng vào đầu tháng 7. Nhưng về lâu dài, hỗ trợ của EU có thể bị thách thức trước sức ép từ các phong trào dân túy, nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên, từ đó làm suy yếu nỗ lực của khối để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại.

Ở khu vực, các quốc gia Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vốn nổi tiếng là “trạm cứu trợ” các nước Arab trong thời kỳ khủng hoảng. Trong giai đoạn 2011-2022, các nước vùng Vịnh đã cung cấp ít nhất 94 tỉ USD cho Bahrain, Ai Cập, Jordan, Morocco, Pakistan, Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen. Nhưng hầu như không có khoản tiền nào được đổ vào các nguồn “gộp chung” như các quỹ do Liên Hiệp Quốc điều hành. Thay vào đó, viện trợ được tiến hành dưới dạng song phương và nước được coi quan trọng về mặt chính trị thường nhận nhiều viện trợ hơn. Với xu hướng sử dụng ODA theo cách giao dịch như vậy, hỗ trợ của GCC cũng không đảm bảo tính nhất quán, đặc biệt giữa thời điểm giá dầu sụt giảm kéo dài làm suy yếu tài chính công của các thành viên.

MAI QUYÊN (Theo DW, IISS)

Chia sẻ bài viết