Nhằm tăng cường năng lực không quân trên chiến trường, Mỹ vừa giới thiệu một mẫu máy bay không người lái (UAV) chiến đấu giá rẻ có tên LUCAS được thiết kế để cạnh tranh với chiếc Shahed-136 do Iran sản xuất.

UAV LUCAS do hãng SpektreWorks phát triển. Ảnh: US DoD
Do hãng SpektreWorks phát triển, LUCAS được thiết kế để trở thành chiếc UAV có giá cả phải chăng và dễ thích ứng, phù hợp cho các hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. SpektreWorks trong một tuyên bố cho biết đã hoàn thành thử nghiệm LUCAS, sẵn sàng sản xuất hàng loạt và dự kiến sẽ sớm được tích hợp vào lực lượng Mỹ và đồng minh.
SpektreWorks mô tả LUCAS là một UAV đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí, có khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt với sự hỗ trợ hậu cần ở mức tối thiểu. Theo SpektreWorks, LUCAS có thể mang theo nhiều tải trọng khác nhau, qua đó cho phép chiếc UAV này thực hiện nhiều nhiệm vụ như trinh sát, tấn công. Ngoài chức năng chiến đấu, LUCAS còn có thể giúp tăng cường hoạt động liên lạc giữa Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là trong môi trường mà các mạng lưới liên lạc truyền thống dễ bị tấn công.
Nhìn bề ngoài, LUCAS trông giống với UAV Shahed-136 do Iran sản xuất, sở hữu thiết kế cánh hình tam giác và được trang bị động cơ pittông. Đặc biệt, LUCAS được trang bị hệ thống điều khiển tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép hoạt động bán tự động, đồng thời duy trì khả năng tương thích với nhiều loại vũ khí khác nhau. Song, so với UAV chiếc Shahed-136 vốn chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ cảm tử đơn thuần, LUCAS tỏ ra vượt trội nhờ khả năng tác chiến đa nhiệm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các cuộc chiến tranh hiện đại ngày càng phụ thuộc vào hệ thống chỉ huy - kiểm soát liên hợp.
Với giá thành chỉ bằng một phần nhỏ so với các UAV quân sự cao cấp hiện nay thì LUCAS được xem là giải pháp tối ưu cho chiến lược “biên đội UAV số lượng lớn” mà Mỹ đang theo đuổi. Do đó, giới phân tích quốc phòng tin rằng LUCAS có thể trở thành một tài sản quan trọng của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ, giúp đơn vị này phòng thủ trước các mối đe dọa từ UAV quy mô lớn. Theo giới phân tích, LUCAS chính là câu trả lời của Lầu Năm Góc trước bài toán tác chiến trong điều kiện địa lý phức tạp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khả năng triển khai nhanh từ nhiều nền tảng cùng tầm hoạt động lên tới hàng trăm kí-lô-mét cho phép loại UAV này trở thành “con bài chủ lực” trong các kịch bản xung đột tiềm tàng.
Việc ra mắt LUCAS diễn ra chỉ ít lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth công bố chính sách toàn diện nhằm thiết lập vị thế thống trị của UAV quân sự Mỹ hôm 10-7. Theo tờ National Security Journal, bản ghi nhớ của Bộ trưởng Hegseth nêu rõ 3 sáng kiến chính vốn là trọng tâm của chương trình UAV mới. Một là, Mỹ sẽ củng cố các cơ sở sản xuất UAV còn non trẻ của nước này bằng cách phê duyệt hàng trăm sản phẩm UAV được sản xuất trong nước để quân đội đặt mua; tận dụng dòng vốn tư nhân hỗ trợ ngành công nghiệp này. Đây cũng là một phần sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký hồi tháng 6 nhằm mục đích tăng cường đáng kể việc phát triển UAV trong nước cho cả các ứng dụng quân sự và phi quân sự. Hai là, Mỹ sẽ tạo ra bước nhảy vọt về công nghệ; trang bị cho các đơn vị chiến đấu xứ cờ hoa nhiều loại UAV giá rẻ do chính các kỹ sư Mỹ hàng đầu thế giới và các chuyên gia AI chế tạo. Và ba là, Mỹ sẽ tăng cường công tác huấn luyện việc sử dụng UAV.
“Năm tới, tôi hy vọng sẽ thấy khả năng này được tích hợp vào tất cả các khóa huấn luyện chiến đấu có liên quan, gồm cả cuộc chiến UAV đối đầu trực tiếp. Chúng ta đang trong cuộc chiến để giành chiến thắng. Do đó, chúng ta sẽ không bao giờ lùi bước” - Bộ trưởng Hegseth cho biết.
Tờ Stripes cho hay, chính sách mới mà ông Hegseth đưa ra là nhằm cắt giảm các chính sách quan liêu vốn hạn chế khả năng của quân đội Mỹ trong việc nhanh chóng mua và triển khai UAV cỡ nhỏ đa năng, gồm khả năng thu thập thông tin tình báo, thả hàng tiếp tế cho quân đội cho đến ném bom đạn sát thương vào các vị trí của đối phương. “Khả năng sát thương sẽ không bị những hạn chế tự áp đặt cản trở, đặc biệt là khi nói đến việc khai thác các công nghệ mà chúng ta đã phát minh nhưng lại chậm chạp trong việc theo đuổi những công nghệ đó” - ông Hegseth nhấn mạnh.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)