13/05/2025 - 10:52

Các chủ sở hữu Mỹ thắng lớn tại Anh 

Khi mùa giải sắp kết thúc, các CLB thuộc sở hữu của các tập đoàn Mỹ đã sẵn sàng thâu tóm danh hiệu ở cả 3 hạng đấu hàng đầu nước Anh hoặc giành vị trí Á quân.

Ở giải đấu cao nhất là Ngoại hạng Anh (EPL), Liverpool - thuộc sở hữu Tập đoàn thể thao Fenway có trụ sở tại Boston - giành danh hiệu vô địch thứ hai kể từ năm 2019, trong khi Arsenal của tỉ phú người Mỹ Stan Kroenke về Nhì. Tại giải hạng Nhất (Championship), Leeds - do tập đoàn 49ers Enterprises có trụ sở tại San Francisco kiểm soát - đang dẫn đầu và đã chính thức lên chơi ở EPL. Bám đuổi họ là Burnley cũng do người Mỹ sở hữu và đã giành suất thăng hạng. Cuối cùng, Birmingham City của doanh nhân Tom Wagner đã đánh bại Wrexham để lên ngôi vô địch giải hạng Nhì (League One) và sẽ cùng chính đối thủ này thăng hạng mùa tới.

Ðiểm chung của các ông chủ trên là hiểu rằng nhiều người khác đi trước họ đã thất bại trong việc áp dụng mô hình thể thao của Mỹ vào bóng đá Anh. Rút kinh nghiệm, nhóm chủ sở hữu thể thao chuyên nghiệp này đang áp dụng cách tiếp cận rất có chủ đích để xây dựng doanh nghiệp.

Cách thức hoạt động của bóng đá Anh khác với các giải đấu thể thao ở Mỹ. Ví dụ, thay vì được trao đổi giữa các CLB, các cầu thủ di chuyển trên thị trường chuyển nhượng không được quản lý tốt với mức phí “khủng” mà các đội khó thu hồi được. Thể thức xuống hạng cũng có nghĩa là trải qua mùa giải bết bát có thể khiến CLB rớt hạng và rơi vào vòng xoáy tài chính. Ngay cả với các đội bóng rất thành công, một khoản thu nhập kếch xù vẫn gắn liền trực tiếp với thành tích trên sân. Vì vậy, một CLB không có vé dự Champions League có thể lỗ 50 triệu USD trong ngân sách hằng năm.


Hai tài tử Ryan Reynolds (phải) và Rob McElhenney đang nâng tầm CLB Wrexham. Ảnh: Getty Images

 

Kể từ khi gia đình Glazer mua lại Manchester United vào năm 2005, những người Mỹ khác cũng đã nối gót, với hy vọng tận dụng phạm vi tiếp cận toàn cầu và các hợp đồng truyền hình hấp dẫn của EPL. Ngày nay, người Mỹ sở hữu khoảng 30% trong số 68 CLB ở 3 giải đấu hàng đầu nước Anh.

Tuy nhiên, vẫn có lúc họ phạm sai lầm vì đánh giá thấp sự hỗn loạn và chi phí của bóng đá Anh. Sau khi tiếp quản, nhà Glazer đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình phản đối từ các cổ động viên. Năm 2021, giới chủ của Liverpool từng phải công khai xin lỗi người hâm mộ vì đã đăng ký tham gia European Super League, một giải đấu “ly khai”. Doanh nhân Randy Lerner thậm chí đã phải bán Aston Villa với mức lỗ hơn 200 triệu USD. Lerner từng nói EPL khiến ông mất hết tinh thần.

Ðó cũng là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư gần đây đã bắt đầu với tham vọng khiêm tốn hơn, mua lại các CLB được định giá chưa tới 1 tỉ USD ở các giải đấu thấp, rồi giúp họ leo lên từng bậc.

Vào năm 2020, hai diễn viên Hollywood Ryan Reynolds và Rob McElhenney đã thâu tóm Wrexham, khi đó đang đá ở giải hạng Năm, vì thương các cổ động viên. CLB này vừa tạo nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử 137 năm của bóng đá Anh là thăng hạng 3 lần liên tiếp trong 5 năm. Ở mùa tới, Wrexham sẽ nỗ lực đặt chân đến “miền đất hứa” EPL.

MINH DŨNG

Chia sẻ bài viết