Khi tuyên bố thu hẹp phạm vi công việc tại Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), tỉ phú Elon Musk đang hướng tới vai trò nhà tài trợ chính trị lớn hơn của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau.
.webp)
Tỉ phú Musk trong một cuộc họp với Tổng thống Trump và nội các. Ảnh: NYT
Tuần rồi, sau báo cáo của Tesla về lợi nhuận sụt giảm trong quý 1-2025, tỉ phú Musk tuyên bố nhiệm vụ cắt giảm chi phí tại Nhà Trắng “đã hoàn tất” và ông sẽ giới hạn công việc tại DOGE. Theo thông tin cập nhật online, cơ quan này đã giúp người nộp thuế Mỹ tiết kiệm 160 tỉ USD. Dù vậy, nó vẫn cách xa tham vọng mà ông Musk đặt ra là giảm 2.000 tỉ USD chi tiêu liên bang và DOGE có thời hạn hoạt động tới tháng 7-2026.
Tiết lộ với hãng tin Reuters, một nguồn tin hiểu rõ về DOGE cho biết phản ứng trên thể hiện người giàu nhất thế giới đang tức giận và kiệt sức, đặc biệt trước làn sóng tấn công nhắm vào công ty ông điều hành. Được biết, sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tỉ phú Musk nổi lên như lực lượng mạnh mẽ trong Nhà Trắng với phong cách cực kỳ nổi bật, táo bạo và không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực truyền thống. Nhưng kể từ đó, tỷ lệ công chúng không tán thành vai trò chính trị của ông Musk cũng tăng vọt. Theo khảo sát của Reuters/Ipsos tiến hành trong tháng này, có 58% người được hỏi bày tỏ quan điểm bất lợi với tỉ phú gốc Nam Phi.
Ảnh hưởng chính trị của Giám đốc điều hành (CEO) Tesla đối với giới tinh hoa ở Washington dường như cũng suy yếu khá nhiều. Nếu các thành viên nội các trước đây hoan nghênh tỉ phú Musk như làn gió mới ở Nhà Trắng, giờ đây họ bắt đầu cảnh giác với chiến thuật cắt giảm nhân sự của DOGE. Dẫn các nguồn tin, Reuters tiết lộ ông Musk đã đụng độ với 3 thành viên nội các cấp cao nhất gồm Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Giao thông Sean Duffy và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent trong quá trình hoạch định chính sách. Gần đây, ông Musk còn chỉ trích Cố vấn thương mại Nhà Trắng là “kẻ ngốc” với “đầu óc thua cả bao gạch” khi cả 2 bất đồng quan điểm trong vấn đề thuế quan.
Tiếp tục ủng hộ đảng Cộng hòa
Năm 2024, tỉ phú Musk trở thành nhà gây quỹ lớn nhất trong chu kỳ bầu cử Mỹ khi đóng góp ít nhất 290 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và những thành viên khác trong đảng Cộng hòa. Trước hiệu quả của dòng tiền quyên góp đối với danh tiếng cá nhân và Tesla thời gian qua, một số nguồn tin cho biết bất chấp rạn nứt hiện tại, kế hoạch của ông Musk vẫn là duy trì quan hệ với Tổng thống Trump trên tư cách cố vấn chính trị. Đồng thời, tỉ phú 53 tuổi đang tìm cách thiết lập lại nền tảng nhà tài trợ lớn của phe bảo thủ thông qua việc đầu tư hàng triệu USD cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026.
Được biết, ông Musk hồi đầu tháng 4 đã trao hàng triệu USD cho cử tri bang Wisconsin kèm theo nhiều khoản thưởng nhằm thúc đẩy sự ủng hộ dành cho ứng viên bảo thủ Brad Schimel trong cuộc bầu cử Tòa án Tối cao bang. Tuyên bố “tiến trình của nền văn minh phương Tây” đang bị đe dọa, CEO Tesla và các nhóm chính trị liên quan đã chi khoảng 21 triệu USD để ủng hộ vị thẩm phán nói trên. Theo Trung tâm Brennan thuộc Đại học New York, con số đó chiếm hơn 1/5 trong tổng số 81 triệu USD đã được chi cho cuộc đua này, khiến nó trở thành cuộc bầu cử tư pháp đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ. Kết quả, ứng viên tự do Susan Crawford giành chiến thắng với cách biệt 10 điểm.
Dù mang danh nghĩa phi đảng phái, cuộc đua được phe Dân chủ coi là màn trưng cầu dân ý về ảnh hưởng của ông Musk cũng như “phép thử sớm” với phe Cộng hòa tại bang chiến địa Wisconsin trước kỳ bầu cử giữa kỳ. Và kết quả không như mong đợi đã phần nào phơi bày giới hạn ảnh hưởng chính trị của tỉ phú Musk cũng như rủi ro khi cố gắng “mua chuộc quyền lực” ở tiểu bang chiến trường. Theo các nhà chiến lược, nguồn tài trợ của ông Musk có thể là lợi ích nhưng cũng là gánh nặng cho đảng Cộng hòa. Cụ thể, có phân tích nói rằng chính những khoản tài trợ hào phóng đã ngăn cản chiến thắng lớn hơn của bà Crawford. Mặt khác, có ý kiến đánh giá vai trò quá nổi bật của ông Musk đã thúc đẩy những chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump đang trao quyền cho một nhóm “tài phiệt” gồm những đồng minh cực kỳ giàu có. Vì đây có thể là lý do để đảng Dân chủ gây sức ép với cử tri trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm sau, ưu tiên của phe bảo thủ hiện nay là cân nhắc duy trì quan hệ với nhà tài trợ của mình theo cách không biến một đồng minh lớn thành gánh nặng cho năm 2026.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Jalopnik)