Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi của các mô hình chăm sóc sức khỏe truyền thống. Trong đó, hình thức “máy bán thuốc tự động” đang nổi lên ở Singapore lần nữa cho thấy lợi ích của y học từ xa trong việc đảm bảo những tình trạng không khẩn cấp vẫn được thăm khám kịp thời.

Người dân có thể tìm kiếm hỗ trợ kịp thời khi mắc các bệnh thông thường như dị ứng, cảm lạnh tại ki-ốt Dr Kart.
Thời kỳ đại dịch, nhiều quốc gia nhanh chóng áp dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa, có thể kết nối người bệnh ở nhà với bác sĩ gần như 24/7 chỉ trong vài phút. Sự tiện lợi này không chỉ tuân thủ biện pháp giãn cách an toàn mà còn giúp tránh tình trạng quá tải tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Hiện tại, tính ưu việt của mô hình y tế từ xa tiếp tục được khai thác với những trải nghiệm khác lạ, nổi bật là máy bán hàng tự động cung cấp dịch vụ tư vấn y tế và thuốc theo yêu cầu.
Là chủ đề được thảo luận sôi nổi từ năm ngoái, máy bán thuốc tự động của công ty RxMedz được triển khai đầu tiên tại một trạm xăng của Shell ở khu dân cư Tampines (Singapore). Khách hàng khi sử dụng ki-ốt Dr Kart của RxMedz được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và mất khoảng nửa phút để kết nối với nhân viên y tế đang trực. Lúc này, bác sĩ có thể thông qua camera để quan sát bệnh nhân trong khi người bệnh sử dụng điện thoại kết nối với ki-ốt để miêu tả vấn đề gặp phải. Sau khi xác định bệnh trạng, cánh tay robot bên trong sẽ phát thuốc cho khách hàng, thậm chí họ có thể lấy giấy chứng nhận y tế do bác sĩ chỉ định sau khi được đánh giá đúng cách, giống như bác sĩ đa khoa tại phòng khám.
Theo Giám đốc điều hành Ho See Chek, nhóm Dr Kart hiện có 3 bác sĩ và 2 dược sĩ nhưng phần lớn các ki-ốt hiện nay đều có bác sĩ trực. Mở rộng ki-ốt tại tất cả các trạm xăng của Shell, ông Ho cho biết RxMedz đang lên kế hoạch thuê thêm bác sĩ để làm việc tất cả các ca trong suốt ngày đêm. “Dr Kart hiện có thể điều trị 32 căn bệnh và đủ thuốc đáp ứng các nhu cầu một cách toàn diện. Chúng tôi không có ý định thay thế bất kỳ phòng khám nào, thay vào đó mục tiêu của Dr Kart là làm cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trở nên dễ tiếp cận và phù hợp với túi tiền của tất cả mọi người” - ông Ho nói thêm.
So với dịch vụ tư vấn từ xa, lợi thế của máy bán thuốc tự động là người bệnh sẽ được phát dược phẩm ngay lập tức thay vì chờ giao đến. Trên thực tế, Dr Kart không phải là ki-ốt đầu tiên hoạt động theo loại hình này.
Năm 2023, nhà phát triển SmartRx hợp tác với nhóm chăm sóc sức khỏe Minmed đã ra mắt một “phòng khám” hoàn toàn tự động tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore. Sinh viên và nhân viên tại trường có thể thuận tiện tham vấn từ xa với bác sĩ và kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn bên trong một khoang riêng. Thuốc theo toa được lấy tại chỗ thông qua máy phân phối kèm theo. Cuối năm đó, một ki-ốt tương tự cũng được dựng lên tại Sân vận động Jalan Besar.
Hiện tại, hầu hết các máy tự động có thể cung cấp thuốc không kê đơn và các vật dụng y tế khác như khẩu trang, bộ sơ cứu với giá cạnh tranh. Tiện lợi hơn là máy được bố trí ở nhiều địa điểm trên khắp hòn đảo, bao gồm cả tầng trống của các căn hộ, chung cư và cơ sở chăm sóc sức khỏe. Một số thậm chí còn có thể cấp phát thuốc bán theo toa sau khi bệnh nhân hoàn thành buổi tư vấn bắt buộc tại chỗ với dược sĩ đã đăng ký.
Mặc dù còn vấp phải hoài nghi từ công chúng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới nổi này về bản chất giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt những người không rành về công nghệ. Một số quốc gia khác ở khu vực, chẳng hạn như Malaysia, Thái Lan hay Ấn Độ cũng đang triển khai các ki-ốt chăm sóc sức khỏe từ xa được hỗ trợ, nhất là ở vùng nông thôn để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
Một mặt, những sáng kiến như vậy cho phép phân công dịch vụ chăm sóc ban đầu đối với tình trạng không khẩn cấp, qua đó giảm đáng kể gánh nặng cho các bệnh viện cấp cứu và phòng khám đa khoa. Ngoài thời gian chờ ngắn và khả năng tiếp cận 24/7, y học từ xa mặt khác trao quyền tự quản lý sức khỏe cho bệnh nhân bằng cách tăng phạm vi các lựa chọn dịch vụ chăm sóc kịp thời phù hợp nhất với nhu cầu. Tuy nhiên, khi công nghệ chăm sóc sức khỏe tự phục vụ và y học từ xa ngày càng được ưa chuộng, việc mở rộng chúng phải đi kèm với giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi bệnh nhân.
MAI QUYÊN (Theo CNA)