04/07/2024 - 08:42

Hàn Quốc nỗ lực ngăn chặn “du lịch bán phá giá” 

Hàn Quốc đang triển khai nhiều hành động để chống lại hành vi “du lịch bán phá giá” trong bối cảnh du khách bị ép mua sắm tại các địa điểm cụ thể với giá cao.

Du khách nước ngoài tại Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Trong một tuyên bố, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ xử lý nghiêm các công ty lữ hành thu hút du khách bằng các gói du lịch giá rẻ, sau đó bù đắp khoản lỗ bằng cách “kèm” hoạt động mua sắm vào lịch trình, từ đó kiếm được hoa hồng từ các nhà cung cấp. Về phần mình, Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc có kế hoạch gặp các công ty du lịch trong thời gian tới để giải thích các hướng dẫn mới, đánh giá 215 công ty chuyên tổ chức các tour du lịch theo nhóm và xem xét các đơn xin cấp giấy phép mới vào tháng 8.

Từ lâu, các tour “du lịch bán phá giá” là nguồn cơn khiến du khách đến Hàn Quốc thất vọng. Những tour này thường thu hút du khách bằng các gói du lịch hấp dẫn, chi phí thấp nhưng đổi lại du khách thường bị đưa đến nhiều địa điểm mua sắm, gồm các cửa hàng miễn thuế hay các cửa hàng bán đồ lưu niệm, nơi các công ty du lịch “bỏ túi” tiền hoa hồng. Theo truyền thông Hàn Quốc, hướng dẫn viên của các công ty du lịch này thường dẫn du khách đến các cửa hàng chuyên bán những mặt hàng đắt đỏ như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng cũng như các hàng hóa khác. Một số du khách còn bị các công ty tính thêm phí tại các địa điểm miễn phí vào cửa. Đáng chú ý, những chuyến du lịch này sử dụng các hướng dẫn viên không có giấy phép, chuyên hưởng hoa hồng từ các cửa hàng thay vì mức lương “cứng”.

Trong một động thái mang tính bước ngoặt, Chính phủ Hàn Quốc đã lần đầu đình chỉ hoạt động của một công ty du lịch trong vòng một tháng sau khi du khách Trung Quốc trình báo với Trung tâm Khiếu nại Du lịch Hàn Quốc rằng anh ta bị buộc phải mua sắm trong chuyến du lịch của mình.

Thời gian qua, chính quyền thủ đô Seoul nhiều lần lên tiếng về tác động tiêu cực của các tour “du lịch bán phá giá” đối với danh tiếng của thủ đô, đồng thời cảnh báo hoạt động này có thể gây tổn hại đến sự phục hồi của ngành du lịch thời hậu đại dịch COVID-19. Trong nỗ lực nhằm hạn chế hành vi này, Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái đã tiến hành thanh tra các công ty và hướng dẫn viên du lịch không giấy phép, sau đó còn thành lập một trung tâm báo cáo du lịch bất hợp pháp vào tháng 12. Vừa rồi, Chính phủ Hàn Quốc còn tuyên bố sẽ nhắm mục tiêu các hướng dẫn viên du lịch không có giấy phép, đặc biệt là ở các khu vực nổi tiếng như “thiên đường mua sắm” Myeong-dong ở trung tâm Seoul.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang tập trung vào Trung Quốc, một trong những thị trường du lịch lớn nhất xứ sở kim chi. Một cuộc khảo sát gần đây với gần 3.100 gói du lịch Seoul được bán trên 4 nền tảng trực tuyến lớn ở Trung Quốc cho thấy có tới 85% số gói bị nghi ngờ quảng bá cho các tour “du lịch bán phá giá”. Đáng lo ngại, có tới 45% số gói “kèm” theo 6-8 chuyến mua sắm trong lịch trình kéo dài 5 ngày, vốn có giá bán còn thấp hơn tổng giá vé máy bay và chi phí khách sạn.

Theo tờ Skift, Hàn Quốc hồi năm ngoái chứng kiến sự phục hồi đáng kể về du lịch khi nước này tiếp đón 11 triệu lượt khách quốc tế, tăng 241% so với năm 2022. Đáng chú ý, trong số 11 triệu lượt khách quốc tế đó, khoảng 2,1 triệu lượt người đến từ Trung Quốc. Tờ Korea Times đưa tin, lượng du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay tăng tới 470% so với cùng kỳ năm 2023.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết