16/06/2024 - 12:52

Tranh cãi việc Úc xuất khẩu vũ khí sang Israel 

Vấn đề Úc xuất khẩu vũ khí sang Israel đang gây tranh cãi, khi các phiên điều trần gần đây tại Thượng viện xác nhận Canberra đã cấp giấy phép mới để xuất khẩu thiết bị quân sự sang Tel Aviv kể từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza nổ ra.

Nghị sĩ đảng Xanh David Shoebridge chất vấn tại phiên điều trần. Ảnh: ABC News

Trong nhiều tháng, các nhà nghiên cứu cùng các nhóm phản chiến và đảng Xanh (đảng chính trị lớn thứ ba ở Úc) đã điều tra về việc nước này xuất khẩu vũ khí, linh kiện sang Israel.

Trong các phiên điều trần tại Thượng viện, các quan chức quốc phòng Úc cho biết đã cấp 8 giấy phép mới để xuất khẩu thiết bị quân sự sang Israel kể từ khi cuộc tấn công nhằm xóa sổ phong trào Hamas ở Gaza bùng phát vào ngày 7-10-2023.

Theo ông Hugh Jeffrey, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chiến lược, chính sách và công nghiệp, 7 trong số 8 giấy phép nói trên liên quan đến việc trả lại thiết bị cho Israel với tư cách là nhà sản xuất ban đầu để sửa chữa hoặc cải tiến.

Đảng Xanh nhấn mạnh số liệu chính thức của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho thấy, chỉ trong tháng 2, Canberra đã bán “vũ khí và đạn dược” trị giá 1,5 triệu USD cho Israel, nhưng Bộ Quốc phòng Úc bác bỏ điều này.

Đảng Xanh còn cho rằng Úc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho chiến đấu cơ F-35, được vận hành bởi hơn một chục quốc gia trong đó có Israel. Israel đã sử dụng tiêm kích tiên tiến này trong cuộc tấn công vào Gaza. Tháng 10 năm ngoái, Không quân Hoàng gia Úc “khoe” rằng 75 công ty của nước này đã trực tiếp chia sẻ hơn 4,13 tỉ USD trong các hợp đồng sản xuất và duy trì máy bay F-35 trên toàn cầu. Các phiên điều trần tiết lộ Úc cung cấp hơn 70 linh kiện quan trọng để chế tạo F-35.

Các nhà phê bình cho rằng hành động của Canberra có thể mâu thuẫn với các nghĩa vụ pháp lý của nước này theo luật nhân đạo quốc tế, vốn cấm chuyển giao vũ khí có thể được sử dụng để vi phạm nhân quyền. Trong khi đó, các nhóm phản chiến như tổ chức Cải cách quyền lực chiến tranh (AWPR) của Úc lập luận rằng những hoạt động xuất khẩu này có thể khiến Úc liên quan đến tội ác chiến tranh vì Israel đang bị Tòa án Công lý Quốc tế điều tra về tội diệt chủng.

Thượng nghị sĩ đảng Xanh David Shoebridge cáo buộc Bộ Quốc phòng Úc không đảm bảo nước này đáp ứng các trách nhiệm quốc tế. “Có một khoảng trống về mặt đạo đức ở đây và các ông không quan tâm”, nghị sĩ Shoebridge nói tại phiên điều trần.

Đáp lại, Canberra cáo buộc đảng Xanh lan truyền thông tin sai lệch về sự tham gia của Úc vào cuộc chiến tại Gaza. Thứ trưởng Quốc phòng Jeffrey nhấn mạnh: “Chúng tôi là một phần trong tập đoàn về năng lực của F-35. Tất cả những bộ phận đó sẽ được xuất khẩu đến một kho lưu trữ trung tâm ở Mỹ… Nó không liên quan cụ thể đến cuộc xung đột tại Israel”. Ông Jeffrey cho biết các giấy phép xuất khẩu phù hợp với nghĩa vụ pháp lý quốc tế.

Tính từ năm 2019, Úc đã cấp khoảng 247 giấy phép liên quan đến Israel, trong đó 66 giấy phép vẫn còn hiệu lực. Ông Jeffrey cho biết một số trong 66 giấy phép này là “công nghệ lưỡng dụng” như phần cứng ICT, và một số dành cho các bộ phận vũ khí chịu sự kiểm soát xuất khẩu  theo Hiệp ước Thương mại Vũ khí.

Tuy nhiên, Hiệp ước Thương mại Vũ khí lại nêu rõ rằng các linh kiện của vũ khí cũng được coi là vũ khí. Hồi tháng 2-2024, một tòa án ở Hà Lan đã tạo một tiền lệ quốc tế khi sử dụng hiệp ước này để ra lệnh cho Amsterdam ngừng cung cấp các bộ phận của tiêm kích F-35 cho Tel Aviv, cho rằng có “nguy cơ rõ ràng” chúng sẽ được Israel sử dụng để vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế.

“Buôn bán vũ khí hai chiều”

Ở khía cạnh nhập khẩu vũ khí, chú ý đổ dồn vào hợp đồng trị giá 1 tỉ USD gây tranh cãi được trao cho công ty Elbit của Israel hồi đầu năm nay để cung cấp tháp pháo có người lái 30mm cho các phương tiện chiến đấu bộ binh mới của quân đội Úc.

Theo các tài liệu đấu thầu khác của Chính phủ Úc, việc nhập khẩu thiết bị quân sự của quốc gia châu Đại Dương từ Israel vượt xa thỏa thuận Elbit và tiếp tục kéo dài trong cuộc chiến ở Gaza. Tổng cộng, Bộ Quốc phòng Úc đã ký hoặc sửa đổi 9 hợp đồng với Elbit, Rafael hoặc các công ty con của họ kể từ khi xung đột Gaza bắt đầu, bao gồm tên lửa, chất nổ và phương tiện chiến tranh. Đảng Xanh khẳng định sẽ tiếp tục kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động thương mại quân sự hai chiều với Israel.

HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, ABC News)

Chia sẻ bài viết