Thường trực UBND TP Cần Thơ vừa họp với lãnh đạo 103 xã, phường nhằm nắm tình hình hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7 đến nay. Lãnh đạo các địa phương cho biết đã cơ bản hoàn thành mọi công tác để vận hành bộ máy mới; tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn về việc thiếu cán bộ chuyên ngành, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số (CÐS); cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu; phần mềm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chưa được cập nhật đầy đủ. Ðây là những vấn đề cần được khẩn trương tháo gỡ để bộ máy hoạt động hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Ðồng chí Trần Thanh Mẫn (thứ 3 từ trái qua), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác kiểm tra công tác vận hành các xã, phường mới sau khi sáp nhập tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều. Ảnh: HỒNG VÂN
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, đến nay, HĐND các xã, phường đã ban hành nghị quyết thành lập cơ quan chuyên môn và trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã. Theo đó, sau khi thành lập, tại 103 xã, phường có 299 phòng chuyên môn (không bao gồm trung tâm phục vụ hành chính công). Trong đó, đối với 8 xã, phường không thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính: có 7 xã, phường thành lập 2 phòng chuyên môn và 1 xã không tổ chức phòng chuyên môn (xã Phong Nẫm).
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch về việc cử cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sau sắp xếp để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức có môi trường để rèn luyện, am hiểu và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, phát triển toàn diện".
Về hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ chính quyền điện tử, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành triển khai sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC mới đến 120 đơn vị của TP Cần Thơ sau hợp nhất, gồm Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, các sở, ngành và 103 xã, phường. Hệ thống cũng đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia từ ngày 30-6 (hiện đã đồng bộ 2.113 TTHC).
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai thống nhất cho Văn phòng UBND thành phố; các sở, ngành và đơn vị trực thuộc; 15 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố; 108 cơ quan, đơn vị khác và 103 UBND cấp xã. UBND thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc của các đơn vị, địa phương với tổng cộng 54 trụ sở; các quyết định giao tài sản công là ô tô cho các cơ quan đơn vị cấp xã quản lý, sử dụng phục vụ công tác, với tổng số ô tô bố trí cấp xã là 139 chiếc.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các xã, phường báo cáo tình hình hoạt động từ 1-7 đến nay. Ông Phan Long Đức, Chủ tịch UBND xã An Lạc Thôn cho biết, chính quyền xã hoạt động ổn định nhưng còn thiếu nhiều chức danh, như: Phó chánh Văn phòng Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã. Tổng số biên chế được giao là 50, số biên chế có mặt là 30. Xã còn thiếu máy in, máy vi tính, máy scan nên đề nghị thành phố hỗ trợ.
Lãnh đạo một số xã cũng phản ánh địa phương thiếu cán bộ chuyên môn ở lĩnh vực xây dựng, hạ tầng, công nghệ thông tin hoặc trụ sở làm việc nhỏ. Theo ông Lê Minh Hải Hậu, Chủ tịch UBND phường Ô Môn, với quy mô dân số hơn 73.000 người, số lượt người thực hiện hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường tăng đột biến từ ngày 1-7 đến nay. Trong khi đó, phường thiếu nhân sự về công nghệ thông tin, nên một số nhiệm vụ CĐS gặp khó khăn. Ông Hậu đề xuất thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ về cải cách hành chính, CĐS cho công chức, nhất là tại bộ phận văn thư - lưu trữ và các phòng chuyên môn.
Lãnh đạo UBND phường Vĩnh Châu cũng đề nghị tập huấn nghiệp vụ thanh toán điện tử và số hóa hồ sơ cho công chức tại trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS. Ngoài ra, có địa phương phản ánh cán bộ còn bỡ ngỡ với giao diện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố mới và việc luân chuyển hồ sơ giữa cấp tỉnh và cấp xã; lĩnh vực đất đai chưa đồng bộ dữ liệu nên địa phương chỉ tiếp nhận, ghi nhận lại khi người dân đến làm thủ tục mà chưa giải quyết ngay được...
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ lưu ý các sở, ngành nắm chắc tình hình ở xã, phường để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ chuyên ngành như lĩnh vực khoa học công nghệ, đất đai, nông nghiệp và môi trường... Các xã, phường rà soát đề án nhân sự để bố trí phù hợp chuyên môn, sở trường; tăng cường quản lý trụ sở, tài sản công để chống thất thoát và tránh lãng phí. Khẩn trương tiếp nhận và kiện toàn các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp xã; tăng cường tuyên truyền cho người dân biết địa điểm, quy trình thực hiện TTHC, nhất là các TTHC phi địa giới hành chính.
Ông Trần Văn Lâu cho rằng Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp, các đơn vị cần phấn khởi khi có đông người đến thực hiện hồ sơ, bởi điều đó cho thấy hoạt động của đơn vị đã thông suốt, đáp ứng yêu cầu của người dân. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cuối năm đánh giá, tổng kết những xã, phường nào có tỷ lệ thực hiện TTHC phi địa giới hành chính cao sẽ được khen thưởng, ngược lại sẽ phê bình, kiểm điểm. Đối với tình trạng thiếu nhân sự, các địa phương rà soát, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy xã phân công bố trí nhân sự phù hợp trên tinh thần "chọn việc để bố trí người".
Một nội dung rất quan trọng mà Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu là tất cả các sở, ngành và lãnh đạo 103 xã, phường phải đoàn kết nội bộ. "Tránh tình trạng phân biệt địa phương này hay địa phương khác, chung quy lại là một nhà, đoàn kết thực sự, không phải một chiều. Nếu để đơn vị mất đoàn kết nội bộ thì giám đốc, phó giám đốc sở và chủ tịch, các phó chủ tịch xã, phường phải chịu trách nhiệm" - ông Trần Văn Lâu nhấn mạnh.