Cùng với ảnh hưởng của Kpop, ngành công nghiệp thời trang Hàn Quốc cũng dần được quốc tế chú ý. Các thương hiệu thời trang địa phương dần tiếp cận thị trường toàn cầu.

Sản phẩm trong Bộ sưu tập On Running x Post Archive Faction (PAF).
Vào tháng 3-2025, Tuần lễ Thời trang Seoul ghi nhận lượng đơn đặt hàng kỷ lục: tổng giá trị các đơn hàng đạt 6,7 triệu USD. Đây là tín hiệu tích cực cho các thương hiệu thời trang Hàn Quốc, khi ngày càng thu hút người tiêu dùng quốc tế.
Nhiều nhãn hàng địa phương cũng bắt đầu hợp tác với các thương hiệu toàn cầu. Cụ thể, Triển lãm thời trang Pitti Uomo tại Milan đã mời Post Archive Faction (PAF), thương hiệu thời trang nam của Hàn Quốc, làm khách mời danh dự. Google công bố Gentle Monster, thương hiệu kính mắt cao cấp đến từ Hàn Quốc, sẽ là đối tác trong dòng kính thông minh mới của hãng. Còn Ava Rover thuộc thương hiệu Nike đã chọn hợp tác với Hyein Seo, đánh dấu lần đầu tiên Nike hợp tác với một thương hiệu Hàn Quốc.
Có thể thấy, thời trang Hàn Quốc đang nhận được sự chú ý từ khách hàng lẫn thương hiệu quốc tế. Sự thay đổi này không chỉ đến từ làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tỏa bởi các nghệ sĩ xứ kim chi, mà còn nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang ở quốc gia này. Nhiều nhà thiết kế, thương hiệu thời trang địa phương đã tiếp cận và tìm được chỗ đứng ở thị trường toàn cầu.
Cụ thể, PAF từng lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng LVMH năm 2021. Vào năm 2024, PAF đã bắt tay hợp tác cùng nhãn hàng thể thao On ra mắt bộ sưu tập On Running x Post Archive Faction (PAF), sản phẩm “cháy hàng” chỉ sau 1 ngày mở bán. PAF hiện đầu tư rất nhiều cho khâu thiết kế, trong đó tập trung mở rộng thiết kế theo phong cách futuristic (vị lai), đang được nhiều người yêu thích. Dongjoon Lim, nhà sáng lập PAF, ước tính dòng sản phẩm futuristic có thể mang về doanh thu từ 5-6 triệu USD trong năm nay.
Thành công của PAF không chỉ do tác động từ làn sóng văn hóa Hàn mà còn nhờ khả năng kết nối với thế hệ người tiêu dùng trẻ. Người tiêu dùng trẻ hiện nay có xu hướng tìm kiếm những phong cách mang dấu ấn cá nhân thay vì các sản phẩm bó buộc trong khuôn mẫu truyền thống.
Ông Jino Lee, đồng sáng lập thương hiệu Hyein Seo, cho rằng các thương hiệu như Hyein Seo, PAF và JiyongKim đều thu hút người trẻ nhờ phong cách phóng khoáng, hiện đại. Phong cách này cũng phù hợp với xu hướng thị trường của giới trẻ toàn cầu. Federico Barassi, Phó Chủ tịch bộ phận mua hàng của Ssense, cho biết các thương hiệu thời trang Hàn Quốc được khách hàng đón nhận tích cực vì mang đến sự mới mẻ, vừa mang tính khơi gợi cảm hứng vừa có mức giá dễ tiếp cận.
Mặc dù thời trang Hàn Quốc có sự đổi mới và tạo được chú ý bởi sự năng động và cách tiếp cận với người trẻ, tuy nhiên, để có chỗ đứng vững chắc trong ngành công nghiệp thời trang thế giới thì vẫn còn nhiều điều cần quan tâm. Thời trang Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước nếu muốn trở thành hiện tượng toàn cầu như Kpop vì vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, ngay cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ngành công nghiệp thời trang Hàn cũng đã gặp không ít thách thức khi so với Nhật Bản và Trung Quốc. Thách thức lớn của các thương hiệu thời trang Hàn là xây dựng được tệp khách hàng toàn cầu vượt ra ngoài phạm vi châu Á.
BẢO LAM (Tổng hợp từ Businessoffashion, Streetwear Complex)