Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) được tổ chức ở thành phố The Hague (Hà Lan) mới đây, các thành viên liên minh quân sự này cam kết tới năm 2035 sẽ tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm lên mức tương đương 5% GDP, cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% GDP mà NATO đặt ra trước đó hồi năm 2014, đồng thời tái khẳng định cam kết phòng thủ tập thể, qua đó làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Các lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Lan ngày 25-6. Ảnh: Reuters
“Thành quả” của ông Trump
Theo tuyên bố, khoản chi nói trên sẽ được chia thành 2 phần: ít nhất 3,5% GDP dành cho các yêu cầu quốc phòng cốt lõi (vũ khí, lực lượng, huấn luyện) và tối đa 1,5% GDP cho các lĩnh vực như bảo vệ hạ tầng thiết yếu, an ninh mạng, đổi mới công nghệ. Tờ The Economist cho rằng nếu đạt được mục tiêu này vào năm 2035 thì sẽ có thêm khoảng 800 tỉ USD được chi cho quốc phòng mỗi năm so với mức trước khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hồi năm 2022.
Theo giới phân tích, động thái trên được coi là phản ứng của NATO trước các thách thức từ Nga và Trung Quốc. Song, trên thực tế, nó hướng tới một cuộc chạy đua vũ trang mới được cho sẽ làm giàu cho các nhà thầu vũ khí. Theo đó, các công ty quốc phòng Mỹ, đặc biệt là những công ty tập trung vào việc phát triển máy bay không người lái (UAV), hệ thống tên lửa, an ninh mạng và công nghệ không gian, được cho sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ chu kỳ tái vũ trang kéo dài nhiều thập niên này.
Thật ra, mục tiêu chi 5% GDP cho quốc phòng của các nước thành viên NATO không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả trực tiếp của việc bị Tổng thống Mỹ Donald Trump “gây áp lực” trong nhiều năm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích các thành viên NATO không chi đủ cho quân đội, gây áp lực buộc họ phải đạt ngưỡng 2% GDP vốn gây nhiều tranh cãi. Giờ đây, khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, các nhà lãnh đạo NATO đã đặt ra mục tiêu đáng kinh ngạc là chi 5% GDP cho quốc phòng mà ngay cả Mỹ, quốc gia hồi năm 2024 chi hơn 892 tỉ USD cho quân đội, cũng không đạt được.
Dù vậy, ông Trump vẫn nhận được lời ca ngợi từ Tổng Thư ký NATO Mark Rutte. Ông Rutte cho biết ông Trump “đang bay tới với thành công lớn tại The Hague, khiến tất cả chúng tôi đồng ý mức 5%”, đề cập tới việc các quốc gia thành viên NATO chấp thuận chi 5% GDP cho quốc phòng, điều mà ông Trump thúc đẩy trong nhiều tháng.
“Donald Trump, ông đã đưa chúng ta đến thời điểm thật sự quan trọng với nước Mỹ, châu Âu và thế giới. Ông sẽ làm được điều mà không tổng thống Mỹ nào thực hiện được trong nhiều thập niên. Châu Âu đang chi khoản tiền lớn, điều mà họ cần làm và đây sẽ là chiến thắng của ông. Ðiều này sẽ không xảy ra nếu không có ông” - ông Rutte nhấn mạnh.
Tiền đề chạy đua vũ trang
Thực tế, cuộc chạy đua tăng ngân sách quốc phòng đã diễn ra từ vài năm qua, đặc biệt là năm ngoái. Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, chỉ ra cuộc chạy đua vũ trang thế hệ mới đang diễn ra trên toàn cầu với mục tiêu vũ khí nhanh hơn, thông minh hơn, nguy hiểm hơn và tốn kém hơn bao giờ hết. Năm 2024, chi tiêu quân sự thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 2.700 tỉ USD, mức tăng hằng năm mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Kết quả này chủ yếu đến từ việc gia tăng ngân sách quân sự ở các nước châu Âu, châu Á và khu vực Trung Ðông.
Trong đó, đối mặt với các mối đe dọa từ Nga, châu Âu đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Theo đó, chi tiêu quốc phòng ở lục địa già hồi năm 2024 tăng 17%, đạt mức 693 tỉ USD. Cụ thể, Ba Lan tăng 31% lên 38 tỉ USD và Thụy Ðiển ngay trong năm đầu tiên là thành viên NATO thì đã tăng 34% cho ngân sách quốc phòng lên 12 tỉ USD. Ðức đã tăng chi tiêu quân sự 28% lên 88,5 tỉ USD, trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ tư trên toàn cầu. Berlin thậm chí cam kết chi 3,5% GDP cho quốc phòng vào năm 2029, sẵn sàng thay đổi các quy tắc nợ theo quy định để thực hiện mục tiêu đó.
Ðáng chú ý, Anh vừa thông báo sẽ mua 12 tiêm kích F-35A của tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong khuôn khổ kế hoạch mở rộng năng lực răn đe hạt nhân. Ðộng thái này đánh dấu bước tiến lớn nhất trong việc hiện đại hóa tiềm năng hạt nhân của London kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Về phần mình, Tổng thống Trump đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 893 tỉ USD cho năm 2026, trong đó ưu tiên mua UAV, tên lửa thông minh, đồng thời cắt giảm một số khoản đầu tư dành cho tàu chiến hay chiến đấu cơ.
Tại Trung Ðông, chi tiêu quân sự của Israel tăng 65% lên 46,5 tỉ USD, mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1967, thời điểm Israel có chiến tranh căng thẳng với các nước láng giềng. Tại châu Á, Trung Quốc đã chi thêm 7% cho ngân sách quân sự vào năm 2024, lên mức khoảng 314 tỉ USD, làm dấy lên lo ngại về một chiến dịch quân sự có thể sắp xảy ra nhằm vào Ðài Loan. Cũng vì thế, chính quyền Ðài Loan đã tăng chi tiêu quân sự thêm 1,8% vào năm 2024, lên mức 16,5 tỉ USD. Cùng năm 2024, Nhật Bản tăng ngân sách quân sự thêm 21% lên 55,3 tỉ USD - mức tăng cao nhất kể từ năm 1952.
Hiện không có quốc gia NATO nào chi cho quân đội nhiều hơn việc chi cho y tế hoặc giáo dục nhưng nếu tất cả các nước này đều đạt được mục tiêu mới mà NATO đặt ra thì 21 quốc gia trong số các thành viên NATO sẽ phải chi cho vũ khí nhiều hơn so với chi cho giáo dục.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)