07/07/2025 - 08:38

Trung Quốc muốn thống lĩnh cuộc đua robot hình người 

Ðẩy mạnh nỗ lực phát triển robot hình người chạy bằng trí tuệ nhân tạo (AI), Trung Quốc đang sử dụng các cuộc thi thể thao làm nơi thử nghiệm trong quá trình cải thiện thuật toán cũng như hệ thống tích hợp phần cứng và phần mềm.

Robot T1 của Booster Robotics tại giải RoBoLeague diễn ra ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Trung Quốc mới đây đã tổ chức Giải bóng đá robot đầu tiên trên thế giới (RoBoLeague 2025) giữa các trường đại học trong nước. Sự kiện diễn ra trước thềm Ðại hội thể thao robot hình người thế giới 2025 ở Bắc Kinh từ ngày 15 đến 17-8 với 11 môn thể thao như thể dục dụng cụ, điền kinh và bóng đá.

Hoàn toàn tự động và an toàn

Tại giải RoBoLeague 2025, những con robot kích thước bằng trẻ em dựa vào cảm biến tiên tiến có thể xác định bóng và di chuyển trên sân với sự nhanh nhẹn đáng kinh ngạc. Trong các trận 3 đấu 3, một số robot có thời gian giữ bóng nhiều hơn khi những con khác vật lộn để duy trì thăng bằng. Nhiều “cầu thủ” còn ngã đè lên nhau sau các pha va chạm liên hoàn. Mặc dù được thiết kế tự đứng lên nhưng một số robot vẫn phải được nhân viên dùng cáng khiêng ra khỏi sân, làm tăng thêm tính chân thực của trải nghiệm. Trong trận chung kết, đội THU Robotics của Ðại học Thanh Hoa đã đánh bại đội Mountain Sea của Ðại học Nông nghiệp Trung Quốc với tỷ số 5-3 để giành chức vô địch.

Tuy các trận đấu khá vụng về, nhưng công nghệ hỗ trợ chúng thì hoàn toàn ngược lại. Công ty robot Booster Robotics cho biết, tất cả robot hoạt động hoàn toàn tự động bằng các chiến lược do AI điều khiển mà không cần bất kỳ sự can thiệp hoặc giám sát nào của con người. Trước đó, Booster Robotics đã cung cấp phần cứng cho những trường đại học tham gia và tùy mỗi nhóm nghiên cứu mà robot được phát triển với thuật toán riêng về nhận thức, đội hình, chiến lược chuyền bóng và ra quyết định.

Ðây không phải lần đầu Trung Quốc tổ chức giải đấu thể thao giữa các robot. Hồi tháng 5, nước này tổ chức cuộc thi China Media Group (CMG) World Robot, trong đó 2 robot hình người đối đầu nhau trên võ đài với những kỹ năng đấm, đá và tự đứng dậy sau khi bị đánh ngã. Hiển nhiên robot không sánh ngang các võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp, nhưng đây vẫn là màn thể hiện ấn tượng về sự nhanh nhẹn và cân bằng của sản phẩm công nghệ cao. Hồi tháng 4, 21 robot hình người đã cùng hàng ngàn vận động viên tham gia thi đấu tại giải bán marathon Yizhuang ở Bắc Kinh. Trước đó, những con robot khiến nhiều người thích thú khi trình diễn múa dân gian trong chương trình Gala Tết Nguyên đán của Ðài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Ngoài tính kỹ thuật, an toàn là mối quan tâm cốt lõi đối với robot hình người. Theo nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Booster Robotics Cheng Hao, các cuộc thi thể thao là nơi lý tưởng để thử nghiệm robot hình người. Trong đó, các hành vi tương tác như tấn công hay phòng thủ diễn ra trong thời gian thực sẽ xây dựng lòng tin và giúp người xem hiểu robot là an toàn.

Cuộc đua của thời đại

Theo báo cáo của Morgan Stanley, 31 công ty Trung Quốc đã công bố 36 mô hình người máy mới trong năm 2024 so với chỉ 8 mô hình do các doanh nghiệp Mỹ phát hành. Ðiều đó cho thấy Trung Quốc không chỉ bắt kịp Mỹ mà còn tăng tốc trong cuộc đua nhằm giành vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực chế tạo robot thế hệ tiếp theo.

Từ năm 2023, Trung Quốc công bố kế hoạch quốc gia với tham vọng xây dựng ngành công nghiệp robot hình người đẳng cấp thế giới vào năm 2027. Cạnh tranh với các nhà phát triển Mỹ, Bắc Kinh hồi tháng 3 còn lập quỹ trị giá 214 tỉ USD hỗ trợ những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực như AI và robot. Ðây là một phần trong tầm nhìn về cuộc cách mạng công nghiệp mới của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với nền kinh tế bao gồm xe điện, năng lượng tái tạo và AI. Trong đó, tiềm năng của robot hình người đối với xu hướng chuyển đổi xã hội - kinh tế là rất lớn khi được coi là chìa khóa giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động giữa thời điểm 1,4 tỉ dân Trung Quốc già đi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Giáo sư Claude Sammut tại Ðại học New South Wales (Úc), các cuộc trình diễn robot ở Trung Quốc chủ yếu để “khoe phần cứng” trong khi mục tiêu của các nhà sản xuất robot hình người hiện này là cải tiến khả năng “học tăng cường”. Ðiều này cho phép con người nói chuyện và yêu cầu robot thực hiện nhiệm vụ, giúp chúng trở nên hữu ích trong gia đình.

Hiện các nhà phát triển sử dụng AI tạo sinh để robot hình người hiểu rõ hơn các yêu cầu, sau đó lập kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm vì các mô hình có thể không hiểu đúng nhu cầu. Rào cản khác nữa là chi phí. Với những thách thức này, giới chuyên môn nhìn nhận mục tiêu cuối cùng của ngành công nghiệp robot chưa thực sự rõ ràng và câu hỏi hiện nay là liệu “cơn sốt robot” có hữu ích hay chỉ là một loại công nghệ mới nổi khác.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết