Tại Đông Nam Á, các nhà khoa học cho biết vi nhựa đã và đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn với ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể kể đến các quốc gia hải đảo như Indonesia và Philippines.

Bãi rác Bantar Gebang của Indonesia là bãi rác lớn nhất Đông Nam Á, trải rộng trên diện tích tương đương 200 sân bóng đá. Ảnh: CNA
Vi nhựa (microplastic) hình thành khi nhiều loại rác thải nhựa có nguồn gốc từ sản phẩm tiêu dùng thông thường bị phân hủy dưới tia cực tím của mặt trời, sóng biển, gió hoặc sự mài mòn. Sau quá trình đó, hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm được tạo ra và có thể xâm nhập mọi ngóc ngách trên đất liền, biển cả cho đến không khí chúng ta thở.
Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 80% rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Tác nhân lớn nhất phải kể đến túi nhựa dùng một lần và không thể tái chế. Năm 2020, báo cáo của tổ chức môi trường Greenpeace cho biết có 855 tỉ túi nhựa như vậy được bán ra trên toàn cầu và Đông Nam Á chiếm ½ số lượng. Nghiên cứu khác năm 2021 còn chỉ ra 6/10 quốc gia thải nhiều chất ô nhiễm nhựa nhất ra đại dương nằm ở khu vực này.
Theo Tổ chức Quan sát Sinh thái và Bảo tồn Đất ngập nước (Ecoton) trụ sở tại Indonesia, người dân Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào đồ nhựa dùng một lần do rẻ và tiện mang đi. Theo ghi nhận, người dân Philippines mỗi ngày tiêu thụ khoảng 164 triệu túi nylon dùng một lần. Cùng với Malaysia, Philippines cũng là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á nhập khẩu lượng lớn rác thải nhựa từ các nước phát triển và không phải tất cả đều được tái chế.
Từ bãi rác tới bàn ăn
Theo Đại học Philippines Diliman, rất nhiều nước Đông Nam Á ưa chuộng bọc thực phẩm trong nhựa. Thói quen này gia tăng nguy cơ đồ ăn thức uống bị trộn lẫn vi nhựa khi lớp ngoài bị trầy xước. Lấy ví dụ nghiên cứu công bố hồi tháng 6 vừa qua, khi kiểm tra lượng vi nhựa trong nhiều loại đồ uống phổ biến như nước khoáng, nước có gas, bia, nước chanh và rượu vang, Cơ quan An toàn thực phẩm quốc gia Pháp (ANSES) phát hiện trung bình có khoảng 100 hạt vi nhựa trên mỗi lít đồ uống đựng trong chai thủy tinh. Nguyên nhân là do trong quá trình vận chuyển và lưu kho, lớp sơn ở nắp chai bị bong tróc và giải phóng vi nhựa cực nhỏ vào nước.
Vấn đề không chỉ ở bao bì. Năm ngoái, nghiên cứu của Mỹ phát hiện vi nhựa tồn tại trong 16 nguồn đạm được tiêu thụ phổ biến như thịt heo, bò, gà và hải sản. Trong trường hợp hải sản, nhiều loài cá thường nhầm lẫn vi khuẩn phủ trên vi nhựa với thức ăn. Một nghiên cứu năm 2024 ở Indonesia phát hiện trong mang và ruột của 94% số cá lấy mẫu từ Vịnh Jakarta chứa đầy vi nhựa độc hại. Vi nhựa trong cá sau khi được con người tiêu thụ cũng sẽ tích tụ trong cơ thể chúng ta.
Theo khám phá của Chương trình Insight về lý do và cách vi nhựa xâm nhập vào cuộc sống hằng ngày, người Indonesia có thể là nhóm tiếp xúc vi nhựa nhiều nhất. Tương tự, một báo cáo của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết so với bất kỳ nhóm dân số nào khác, mỗi người dân xứ vạn đảo tiêu thụ 15gr vi nhựa/tháng, tương đương “nuốt” 3 tấm thẻ tín dụng. Người dân Malaysia xếp thứ hai (12gr), kế đến là Philippines (11gr). Phần lớn đều có nguồn gốc từ cá và hải sản khác.
Tác động sức khỏe
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Toxicology năm ngoái, các hạt nhựa kích thước nano (tương đương chuỗi DNA và virus) có thể vượt qua màng tế bào vốn bảo vệ não khỏi chất có hại. Trong khi đó, chuyên gia độc chất học John Paul Ner cảnh báo hệ miễn dịch cơ thể cũng sẽ “ăn” hạt vi nhựa sau khi loại bỏ ở một mức độ nào đó.
Năm ngoái, nghiên cứu kiểm tra mảng bám động mạch ở người mắc bệnh tim phát hiện dấu vết vi nhựa trong mảng bám của hơn một nửa số bệnh nhân. Những cá nhân này có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn gần 5 lần so với người không bị ô nhiễm nhựa trong động mạch.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2023 trên chuột cũng đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa vi nhựa và suy giảm nhận thức, sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện chuột tiếp xúc vi nhựa trong 3 tuần bắt đầu có dấu hiệu suy giảm nhận thức giống như chứng mất trí ở người.
Nghiêm trọng hơn, nhiều học giả cảnh báo trẻ sơ sinh cũng có thể bị phơi nhiễm, đặc biệt khi các hạt vi nhựa kích thước siêu nhỏ đi qua hàng rào nhau thai và gây ảnh hưởng sự phát triển của trẻ. Vi nhựa cũng có thể được hít vào. Theo nghiên cứu hồi tháng 4, cư dân Trung Quốc và Mông Cổ hít nhiều vi nhựa nhất (hơn 2,8 triệu hạt/tháng) trong số 109 quốc gia được khảo sát.
MAI QUYÊN (Theo CNA, StraitsTimes)