02/07/2025 - 21:45

Mỹ lại giáng đòn mạnh vào Ukraine 

Hôm 1-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ra lệnh ngừng cung cấp một số vũ khí cho Ukraine do lo ngại kho dự trữ trong nước cạn kiệt. Ðộng thái này đặt ra trở ngại đối với Ukraine khi quốc gia Ðông Âu đang nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công ngày càng leo thang từ Nga.


Binh sĩ Ukraine nạp đạn 155mm vào lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp. Ảnh: WSJ

 

Phản ánh loạt ưu tiên mới của Mỹ

Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly giải thích quyết định trên được đưa ra nhằm đảm bảo “lợi ích trước tiên” của nước Mỹ, sau khi Bộ Quốc phòng tiến hành rà soát toàn diện về hỗ trợ quân sự và viện trợ quốc phòng cho các nước trên toàn cầu. Mỹ cũng đã từng tạm dừng cung cấp toàn bộ vũ khí cho Ukraine trong ngắn hạn vào tháng 2 và thêm một lần nữa kéo dài hơn vào tháng 3.

Việc đình chỉ phản ánh một loạt ưu tiên mới dưới thời Tổng thống Donald Trump. Lầu Năm Góc cho biết họ đang cung cấp cho chủ nhân Nhà Trắng các lựa chọn để tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine phù hợp với mục tiêu chấm dứt chiến tranh tại đây.

Lầu Năm Góc xác định kho dự trữ của quân đội Mỹ đã suy giảm quá sâu, do đó một số vũ khí từng cam kết viện trợ cho Ukraine sẽ không được gửi đi. Bộ Quốc phòng Mỹ không nêu rõ những vũ khí nào trong diện đình chỉ chuyển giao cho Ukraine. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin cho biết chúng bao gồm hàng chục tên lửa đánh chặn Patriot, hàng ngàn quả đạn pháo 155mm, hơn 100 tên lửa Hellfire, 250 hệ thống tên lửa dẫn đường chính xác (GMLRS), nhiều tên lửa đất đối không Stinger, tên lửa không đối không AIM và súng phóng lựu.

Số vũ khí trên được phê duyệt dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden. Chúng được rút trực tiếp từ kho dự trữ quân sự hiện có của Mỹ và Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), hợp đồng sản xuất mới từ các nhà thầu quốc phòng.

Ðộng thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh kho dự trữ đạn dược đã cạn kiệt sau nhiều năm nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như gần 2 năm hoạt động quân sự ở Trung Ðông. Mỹ đã tham gia chiến dịch chống phiến quân Houthi ở Yemen, bảo vệ Israel và các đồng minh trước Iran.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 6, Ðô đốc James Kilby, quyền Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đã cảnh báo rằng mặc dù hải quân có đủ tên lửa tiêu chuẩn SM-3, nhưng nước này đang sử dụng một số tên lửa và đạn dược “với tốc độ đáng báo động”.

Đòn giáng vào Ukraine

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Mỹ đã chuyển cho Kiev hơn 66 tỉ USD vũ khí và viện trợ quân sự. Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và châu Âu viện trợ thêm vũ khí phòng không khi Nga đẩy mạnh các cuộc không kích trên toàn quốc trong những tháng gần đây. Do vậy, việc Washington ngừng cung cấp vũ khí là một đòn giáng vào Kiev, nhất là khi cuối tuần qua Nga đã bắn 60 tên lửa và 477 máy bay không người lái vào Ukraine - đợt không kích lớn nhất trong cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm.

Trong những tuần gần đây, Nga tiếp tục tiến quân và giành được nhiều lợi thế tại các khu vực Donetsk và Dnipropetrovsk ở Ðông Nam Ukraine. Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Theo giới phân tích, quyết định ngừng cung cấp vũ khí tô đậm yếu điểm của lực lượng Ukraine. “Phòng không sẽ không giúp bạn giành chiến thắng trong một cuộc chiến nhưng nếu không có nó, bạn sẽ nhanh chóng thất bại”, Tom Karako, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định.

Ðộng thái hoãn chuyển giao vũ khí cũng phản ánh cam kết của chính quyền Tổng thống Trump về việc giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. “Chính quyền ông Trump có quan điểm rất khác về cuộc xung đột đó. Chúng tôi tin rằng một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho cả hai bên cũng như vì lợi ích của Mỹ”, Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth giải thích hồi đầu tháng rồi.

Phát biểu này được đưa ra vài ngày sau khi ông Hegseth vắng mặt tại cuộc họp quan trọng của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG). Ðó là lần đầu tiên chủ nhân Lầu Năm Góc không tham dự cuộc họp định kỳ hàng tháng của UDCG kể từ khi nhóm được thành lập vào năm 2022 nhằm điều phối hoạt động viện trợ an ninh cho Ukraine. Hồi tháng 5, vị này chỉ dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến. Từ tháng 2-2025, vai trò lãnh đạo UDCG cũng đã được chuyển từ Mỹ sang Anh và Ðức.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết