Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) vừa cảnh báo các trung tâm lừa đảo trực tuyến sử dụng nạn nhân buôn người đã lan rộng ra toàn cầu. Mô hình tội phạm này trước đây chỉ giới hạn ở Ðông Nam Á, nhưng hiện đã trở thành mối đe dọa toàn cầu theo sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
.webp)
AI đang trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động của các mạng lưới tội phạm trên khắp thế giới. Ảnh: Reuters
Trong báo cáo gần đây về xu hướng tội phạm, Interpol cho biết các trung tâm lừa đảo do nạn buôn người thúc đẩy đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới từ Ðông Nam Á đến các khu vực mới ở Tây Phi, Trung Ðông, Trung Mỹ và lan ra toàn cầu những năm gần đây.
“Mối đe dọa 2 lưỡi”
Công dân của ít nhất 66 quốc gia đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người và lao động cưỡng bức tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến. 72% số nạn nhân bị đưa đến các trung tâm lừa đảo truyền thống đặt ở Ðông Nam Á, trong khi các trung tâm lừa đảo ở các quốc gia khác đang nổi lên. Trong đó, Tây Phi có khả năng trở thành điểm nóng mới cho loại tội phạm này.
Nhiều nạn nhân buôn người bị dụ dỗ qua các mẩu quảng cáo việc làm giả, sau đó bị giam giữ trong các khu nhà và bị ép tham gia vào các hoạt động gian lận trên mạng, bao gồm lừa đảo đầu tư, chuyển tiền, lừa đảo tình cảm và cờ bạc trực tuyến. Những người chống cự thường bị đe dọa và một số phải đối mặt với sự ngược đãi tàn bạo hoặc thậm chí là tra tấn dã man. Mặc dù không phải tất cả lao động trong các trung tâm lừa đảo đều là nạn nhân của nạn buôn người, nhưng những người bị ép buộc phạm tội thường bị đe dọa bằng những khoản nợ nần, buộc họ phải làm việc liên tục và một số phải chịu đựng sự đau khổ về mặt tâm lý nghiêm trọng.
Interpol mô tả các trung tâm lừa đảo trực tuyến là “mối đe dọa 2 lưỡi”, tức tác động đến cả những người bị buộc phải thực hiện hành vi gian lận và những nạn nhân bị lừa đảo thông qua màn hình từ các quốc gia khác. Thực tế, xu hướng phạm tội như vậy đã gia tăng kể từ năm 2023, thúc đẩy việc Interpol ban hành “cảnh báo cam” khẩn cấp về mối đe dọa nghiêm trọng và đang leo thang này.
Bên cạnh đó, báo cáo của Interpol chỉ ra rằng khoảng 90% những kẻ tạo điều kiện buôn người đến từ châu Á, trong khi 11% đến từ Nam Mỹ hoặc châu Phi. Khoảng 80% là nam giới và 61% từ 20-39 tuổi.
Công cụ lừa đảo mới
Ðược biết, các hoạt động quốc tế do Interpol phối hợp với lực lượng cảnh sát từ nhiều quốc gia đã phát hiện ra nhiều trường hợp buôn người để thực hiện các hoạt động phạm tội cưỡng bức. Như hồi năm 2024, một chiến dịch do Interpol dẫn đầu đã đột kích một trung tâm lừa đảo quy lớn ở Philippines. Cùng năm này, cảnh sát phá dỡ một trung tâm lừa đảo khác ở Namibia, giải thoát cho 88 thanh thiếu niên bị ép tham gia lừa đảo, thu giữ 163 máy tính và 350 điện thoại di động để điều tra.
Ngoài mô hình cưỡng bức lao động và lừa đảo có hệ thống, Interpol cũng cảnh báo về việc tội phạm đang sử dụng AI như một công cụ lừa đảo mới qua mạng. Chẳng hạn, AI đang được sử dụng để tạo ra các mẩu quảng cáo việc làm giả, có sức thuyết phục cao và tạo ra các hồ sơ và hình ảnh lừa đảo thông qua công nghệ Deepfake (sử dụng AI để tạo các video và hình ảnh giả mạo) để dụ dỗ nạn nhân với nhiều chiêu trò khác nhau, như lừa đảo tình cảm hoặc tống tiền tình dục.
Các mạng lưới tội phạm cũng sử dụng cùng một tuyến đường buôn người để buôn lậu cả ma túy, vũ khí và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như hổ và tê tê. Ðiều này nghĩa là các trung tâm lừa đảo không còn chỉ là nơi tập trung tội phạm trực tuyến, mà ngày càng trở thành tâm điểm của nhiều loại hình tội phạm xuyên quốc gia.
Trước sự lan rộng của các mạng lưới tội phạm, Interpol nhận định rằng cần có hành động phối hợp khẩn cấp để phá vỡ các tuyến đường buôn người và hỗ trợ các nạn nhân. Cyril Gout, quyền Giám đốc cơ quan cảnh sát Interpol, nhấn mạnh: “Việc giải quyết mối đe dọa đang lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu này đòi hỏi phải có phản ứng phối hợp của quốc tế”. Ðiều này bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia, xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân và hợp tác với các công ty công nghệ có nền tảng bị khai thác để lừa đảo.
NGUYỆT CÁT (Theo DW, The Nation)