04/07/2024 - 20:36

Nga - Trung và tham vọng địa chính trị của SCO 

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Astana (Kazakhstan) hôm 3-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ca ngợi “mối quan hệ đối tác” giữa 2 nước, đồng thời xem SCO như là lực lượng đảm bảo sự ổn định toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp hôm 3-7. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập kêu gọi 2 nước tiếp tục phát huy giá trị đặc biệt trong quan hệ Trung - Nga, cùng khám phá động lực nội tại của hợp tác song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng trước tình hình thế giới nhiều biến động, 2 nước cần “tiếp tục duy trì tình hữu nghị ban đầu cho các thế hệ mai sau”.

Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập cho biết Bắc Kinh và Mát-xcơ-va nên tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược và chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ Nga hoàn thành trọng trách của nước chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS); hoan nghênh việc đoàn kết các quốc gia ở Nam bán cầu; ngăn chặn “Chiến tranh lạnh mới” và phản đối “các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và bá quyền”. Về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ông Tập tái khẳng định Trung Quốc “luôn đứng về lẽ phải của lịch sử” và sẵn sàng nỗ lực tích cực để thúc đẩy đàm phán hòa bình và tìm ra giải pháp chính trị cho xung đột.

Về phần mình, Tổng thống Putin đánh giá quan hệ Nga - Trung “đang ở mức tốt nhất trong lịch sử”, được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền lẫn nhau. Nhà lãnh đạo xứ bạch dương cũng nhắc lại chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc hồi tháng 5 - chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5 vào ngày 7-5, đồng thời cảm ơn sự tiếp đón nồng nhiệt của phía Trung Quốc.

Trong khi đó, đề cập tới SCO, cả 2 ông Putin và Tập ca ngợi tổ chức liên chính phủ về chính trị, kinh tế và an ninh Á - Âu này là lực lượng đảm bảo sự ổn định toàn cầu. Lâu nay, SCO được Mát-xcơ-va và Bắc Kinh coi là công cụ để chống lại ảnh hưởng của phương Tây. “Tổ chức này đã tự khẳng định mình là một trong những trụ cột chính của trật tự thế giới công bằng, đa cực. Sự hợp tác của chúng tôi không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai. Chúng tôi cũng không tạo ra bất kỳ khối hay liên minh nào mà chúng tôi chỉ hành động vì lợi ích của người dân chúng tôi” - ông Putin nhấn mạnh.

Ðược thành lập vào năm 2001, SCO có 9 quốc gia thành viên, 3 quốc gia quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Mặc dù chỉ có 9 thành viên là Kazakhstan, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và Iran, song tổ chức này bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn với gần một nửa dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng lượng kinh tế toàn cầu. Trải qua 23 năm hình thành và phát triển, SCO tham vọng trở thành cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả và là chủ thể quan trọng ở khu vực Á - Âu.

Ngoài việc kết nạp thành viên mới là Belarus, Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay chứng kiến việc thông qua một số sáng kiến, gồm sáng kiến thống nhất thế giới vì hòa bình và hòa hợp công bằng, cũng như tuyên bố việc thành lập một trung tâm nhằm ứng phó với các thách thức và mối đe dọa an ninh mới.

Eva Seiwert, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Ðức), cho rằng việc kếp nạp Belarus, quốc gia giáp với Liên minh châu Âu, thực sự cho thấy sứ mệnh của SCO đã thay đổi trong vài năm qua. “Không giống như Iran, bạn không thực sự nhận được nhiều sự hợp tác về kinh tế hoặc an ninh khi kết nạp Belarus. Do đó, tôi cho rằng việc Belarus trở thành thành viên của SCO giống như một động thái địa chính trị hơn” - bà Seiwert nói. Theo bà này, trong bối cảnh “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine đang ở năm thứ ba, SCO trở thành con đường ngoại giao quan trọng đối với Tổng thống Putin, đồng thời là nền tảng cho thấy ông không bị cô lập trên trường quốc tế.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết