07/06/2025 - 20:21

Thế giới đầy rẫy bom chưa nổ 

Mới đây, chính quyền thành phố Cologne (Đức) đã tiến hành cuộc sơ tán lớn nhất kể từ năm 1945, sau khi phát hiện 3 quả bom chưa nổ còn sót lại từ Thế chiến thứ hai. Việc phát hiện ra các loại bom mìn chưa nổ sau 80 năm kết thúc chiến tranh không phải là hiếm trên khắp nước Đức, châu Âu và thế giới.

Cảnh sát thành phố Cologne phong tỏa khu vực 3 quả bom chưa nổ được phát hiện. Ảnh: BBC

Theo tờ Guardian, 3 quả bom nói trên được tìm thấy trong quá trình thi công gần xưởng đóng tàu Deutz, nằm bên bờ hữu sông Rhine. Trong đó, 2 quả nặng 1 tấn và một quả nặng nửa tấn, đều do Mỹ sản xuất và được trang bị kíp nổ va chạm, có thể phát nổ khi tiếp xúc bề mặt cứng. Các quả bom đã được tiến hành tháo gỡ sau khi toàn bộ khu vực trong bán kính khoảng 1.000 mét được sơ tán an toàn.

Được biết, Cologne là một trong những thành phố bị ném bom nặng nề nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, với tổng cộng 262 cuộc không kích do Không quân Hoàng gia Anh (RAF) thực hiện, khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng. Đáng chú ý, vào đêm 30-5-1942, thành phố trở thành mục tiêu của cuộc oanh tạc quy mô lớn của RAF, lực lượng đã điều động hơn 1.000 máy bay và thả 1.455 tấn bom nhằm gây rối hệ thống radar và hệ thống phòng không của Đức trong chiến dịch được gọi là Chiến dịch Thiên niên kỷ.

Thật ra, việc 3 quả bom chưa nổ được phát hiện ở thành phố Cologne không phải là mới ở Đức, nơi có hàng ngàn thiết bị chưa nổ nặng tới 100.000 tấn. Chỉ riêng ở tiểu bang Bắc Rhine-Westphalia, hơn 1.600 quả bom được tháo ngòi nổ hồi năm 2024 với chi phí xử lý 20 triệu euro. Trong khi đó, tại thành phố Brandenburg, các chuyên gia rà phá bom trong năm ngoái đã tìm thấy 90 quả mìn, 48.000 quả lựu đạn, 500 quả bom cháy, 450 quả bom nặng gần 5kg/quả cũng như khoảng 330.000 quả đạn pháo.

Tuy nhiên, Đức không “đơn độc” trong việc phát hiện ra nhiều quả bom chưa nổ từ thời Thế chiến thứ hai. Tại các nước như Bỉ và Pháp, nhiều quả bom chưa nổ từ 2 cuộc chiến tranh thế giới cũng thường được tìm thấy, đặc biệt là từ Thế chiến thứ nhất ở các vùng Verdun và Somme. Tại Ý, cách đây 3 năm, hạn hán ở Thung lũng Po đã làm lộ ra nhiều quả bom chưa nổ. Còn tại Anh hồi năm 2021, một quả bom nặng gần 1 tấn của Đức đã được cho nổ ở thành phố Exeter.

Tình hình ở Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi có hàng tấn bom chưa nổ từ 2 cuộc chiến tranh thế giới còn sót lại trên mặt đất, cũng rất nghiêm trọng. Năm 2020, một quả bom Tallboy nặng 5 tấn do Anh sản xuất đã được vô hiệu hóa tại thị trấn Swinoujscie (phía Tây Bắc Ba Lan). Đáng lo ngại, đã có nhiều vụ tai nạn chết người do bom chưa nổ gây ra ở Cộng hòa Séc. Những quả bom còn sót lại từ 2 cuộc chiến tranh cũng thường xuyên được phát hiện trên khắp nước Pháp, kể cả thủ đô Paris.

Ở các châu lục khác trên thế giới, tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng. Liên Hiệp Quốc ước tính, 80 triệu quả bom chưa nổ vẫn còn nằm dưới lòng đất ở Lào sau khi nước này hứng chịu 500.000 cuộc tấn công bí mật của Mỹ trong giai đoạn 1964-1973. Tại Campuchia từ năm 1979 đến tháng 6-2024, các vụ nổ bom mìn đã cướp đi sinh mạng của 19.830 người và khiến 45.242 người bị thương. Ước tính Campuchia có khoảng 4-6 triệu quả mìn và các loại đạn khác còn sót lại sau chiến tranh.

Riêng tình hình ở Ukraine hiện nay cũng rất bi thảm. Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” hồi năm 2022, khoảng 1/4 đất của nước này được cho là bị mìn, bom chùm và các thiết bị nổ khác gây ô nhiễm. Ước tính, hơn 500.000 thiết bị nổ ở Ukraine đã được vô hiệu hóa nhưng vẫn còn hàng triệu thiết bị nổ khác vẫn chưa được xử lý, gây ra hậu quả rất lớn về mặt nhân đạo và kinh tế. Theo đó, hàng trăm thường dân đã thiệt mạng, nhiều vùng đất nông nghiệp không được canh tác, mùa màng thất bát, từ đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia Đông Âu này. Một báo cáo cho thấy ở mức độ hiện tại, bom mìn và vật liệu nổ đã làm giảm GDP của Ukraine 11,2 tỉ USD mỗi năm. Ngân hàng Thế giới ước tính cần khoảng 34,6 tỉ USD để rà phá bom mìn an toàn ở Ukraine.

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết