28/06/2024 - 23:17

Kịch bản đáng sợ nếu xảy ra chiến tranh Israel - Hezbollah 

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảnh báo quân đội nước này có đủ khả năng đưa Lebanon “trở lại thời đồ đá” trong bất kỳ cuộc chiến tổng lực nào với phong trào Hồi giáo Hezbollah nếu ngoại giao thất bại. Ðây là lời đe dọa mới nhất trong một loạt tuyên bố từ các nhân vật cấp cao về việc Israel ngày càng mất kiên nhẫn trước các cuộc tấn công của Hezbollah.

Khói bốc lên từ một ngôi làng ở Lebanon sau cuộc không kích của Israel hôm 25-6. Ảnh: AFP

Kể từ cuộc chiến bất phân thắng bại với Hezbollah năm 2006, Israel đã lên kế hoạch tái đấu, nhóm vũ trang ở Lebanon cũng làm điều tương tự. Theo ước tính, kho vũ khí của Hezbollah bao gồm ít nhất 150.000 tên lửa và rocket. Hezbollah đã bắn 5.000 quả sang Israel kể từ tháng 10-2023, tức phần lớn kho vũ khí của họ vẫn còn nguyên vẹn.

Tên lửa của Hezbollah tinh vi và xa hơn

Các quan chức Israel đã rất ngạc nhiên trước mức độ tinh vi trong các cuộc tấn công của Hezbollah. Chúng bao gồm các cuộc không kích chính xác có hệ thống vào các tiền đồn của Israel dọc biên giới, bắn hạ máy bay không người lái (UAV) đang bay cao, tấn công vào các hệ thống phòng thủ Vòm sắt và lá chắn UAV của nước này.

Hezbollah có 40.000-50.000 chiến binh và thậm chí là hơn 100.000, với nhiều người dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện, cả hai bên đều có thể gây ra tổn thất nặng nề cho nhau, thậm chí là khủng khiếp hơn so với năm 2006.

Hồi đầu năm nay, Ðại học Reichman (Israel) đã công bố báo cáo có tựa đề “Lửa và máu: Thực tế đáng sợ mà Israel phải đối mặt trong cuộc chiến với Hezbollah”. Tài liệu nêu một kịch bản nghiệt ngã, trong đó Hezbollah sẽ bắn 2.500-3.000 tên lửa mỗi ngày trong nhiều tuần nhằm vào các địa điểm quân sự của Israel cũng như các thành phố đông dân ở trung tâm đất nước. Trong 34 ngày giao tranh vào năm 2006, Hezbollah đã bắn khoảng 4.000 quả rocket, tương đương trung bình 117 quả/ngày.

Năm đó, Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel và tọa lạc ở phía Bắc đất nước, nằm trong tầm bắn của tên lửa Hezbollah, nhưng lần này tên lửa dự kiến ​​sẽ vươn sâu hơn vào lãnh thổ quốc gia Do Thái. Hezbollah hiện nay có thể sẽ tấn công cả sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv.

Thế cân bằng chiến lược thay đổi

Mặt khác, trên khắp Trung Ðông, thế cân bằng chiến lược mà Israel lâu nay ưa chuộng đang thay đổi. Kẻ thù của Israel không còn là các chế độ Arab “yếu ớt”, mà là một loạt các chủ thể phi nhà nước được Iran hậu thuẫn - từ Hezbollah, Hamas, Jihad (nhóm vũ trang lớn thứ hai ở Dải Gaza), Houthi ở Yemen cho đến các nhóm dân quân tại Iraq và Syria.

Tờ Politico dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Israel và Hezbollah có thể sẽ nổ ra trong vài tuần tới nếu xung đột ở Dải Gaza không đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Bản đánh giá này thận trọng hơn so với châu Âu, nơi một số quốc gia dự đoán cuộc chiến Israel - Hezbollah có thể xảy ra trong vài ngày tới. Nhiều nước như Canada, Đức và Hà Lan đã khuyến cáo công dân của họ rời khỏi Lebanon.

Do Mỹ dành sự hỗ trợ cho Israel, tất cả các nhóm kể trên cũng sẽ đặt lợi ích của Washington và phương Tây ở Trung Ðông vào tầm ngắm của họ.

Gần đây, Qais Al-Khazali, thủ lĩnh lực lượng dân quân Asa’ib Ahl Al-Haq của Iraq, dọa rằng nếu Mỹ tiếp tay Israel tấn công Lebanon “thì mọi lợi ích của Washington trong khu vực, đặc biệt là ở Iraq, sẽ bị đặt vào thế nguy hiểm và biến chúng thành mục tiêu”.

Thông thường, Iran đứng ở phía sau và để cho các nhóm ủy nhiệm chiến đấu, nhưng điều này đã thay đổi hồi tháng 4, khi Tehran trực tiếp bắn hàng trăm tên lửa và UAV về phía Israel để trả đũa vụ Tel Aviv tập kích khu phức hợp ngoại giao của Iran ở Syria.

Trong trường hợp đồng minh Hezbollah bị Israel tấn công thì nhiều khả năng Iran sẽ đáp trả. Khi đó, Iran cũng có thể hiện thực hóa lời đe dọa lâu nay là phong tỏa eo biển Hormuz, động thái sẽ khiến giá dầu thế giới tăng vọt. Eo biển Hormuz nằm giữa Iran và Oman, với đoạn hẹp nhất chỉ 33km, là cửa ngõ vùng Vịnh và Ấn Ðộ Dương. Khoảng 1/5 sản lượng dầu thô và sản phẩm hóa dầu của thế giới đi qua eo biển này, biến khu vực thành một trong những huyết mạch hàng hải quan trọng nhất thế giới.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết