Trong bối cảnh khó kiếm việc làm trở lại và tiền lương hưu ít ỏi, nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc đang sống trong cảnh chật vật, khó khăn trong khi sức khỏe ngày một xuống dốc.
Người lớn tuổi xếp hàng nhận bữa ăn miễn phí tại Công viên Topgol, Seoul, hôm 8-5.
Điển hình như trường hợp của Lim Jong-ik, 69 tuổi, đang sống một mình trong căn hộ nhỏ chỉ 20m2, không tiền bạc và gia đình. Ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ khổ như thế vì luôn làm việc chăm chỉ từ thời trẻ, trải qua nhiều công việc khác nhau. Ông cũng từng chuyển sang kinh doanh, nhưng từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, mọi việc trở nên khó khăn, rồi vợ chồng ông cũng chia tay. Việc mắc bệnh tê liệt dây thần kinh mặt cách đây 4 năm càng khiến cuộc sống của ông thêm vất vả. Thu nhập hằng tháng duy nhất của Lim là khoản lương hưu cơ bản (cấp cho người trên 65 tuổi) 340.000 won (hơn 6,2 triệu đồng), chỉ vừa đủ chi trả các khoản cố định như phí quản lý chung cư, điện, nước, ga, điện thoại và bảo hiểm. Ông xoay xở bằng cách ăn 2 bữa/ngày với số tiền dành dụm ít ỏi.
Tuy không sống cô độc như Lim, nhưng tình cảnh của cụ ông 74 tuổi Hwang Jae-woo, ở thủ đô Seoul, cũng không khá hơn. Mỗi tháng, vợ chồng ông phải chờ số tiền 1 triệu won (gồm cả lương hưu nhà nước và lương hưu cơ bản) của cả hai được chuyển vào tài khoản thì mới có thể trả tiền thuê nhà và các hóa đơn tiện ích, sau đó dùng số tiền còn lại để ăn uống. Nhưng tháng này, số dư trong tài khoản của họ đã hết chỉ sau 10 ngày vì cả hai đều đột ngột ngã bệnh.
Người già ở Hàn Quốc nghèo nhất khối OECD
Hoàn cảnh của ông Lim và ông Hwang khá phổ biến tại Hàn Quốc, nơi nhiều người lớn tuổi đang vật lộn với cuộc sống ở tuổi xế chiều. Theo thống kê năm 2021, tỷ lệ nghèo khó ở người lớn tuổi là 39,3%, nghĩa là cứ 10 người từ 65 tuổi trở lên thì có 4 người kiếm được ít hơn 50% mức thu nhập trung bình. Tỷ lệ này cao hơn gần 4 lần so với nhóm dân số từ 18-65 tuổi (10,6%). Trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ Hàn Quốc và Estonia có khoảng cách về tỷ lệ nghèo khó giữa nhóm trên 65 tuổi và nhóm từ 18-65 tuổi cao hơn 20 điểm phần trăm. Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ người lớn tuổi nghèo khó cao nhất trong khối gồm 38 thành viên của OECD.
❝ Năm 2023, số người trên 65 tuổi ở Hàn Quốc là 9,73 triệu người, chiếm tỷ lệ 19% trong 51,32 triệu dân. Nước này được dự đoán sẽ trở thành xã hội “siêu già” vào năm 2025, với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20% tổng dân số.
|
Nhìn chung, nhiều người ở Hàn Quốc vẫn sống ổn ở tuổi trung niên, nhưng lại rơi vào cảnh nghèo khó khi về già. Lý do chủ yếu là vì thiếu nguồn lương hưu từ nhà nước. Những người tự kinh doanh hoặc lao động không thường xuyên thì không đóng góp vào quỹ lương hưu quốc gia, số khác thì làm công việc được trả lương tương đối thấp (đồng nghĩa đóng góp ít). Hậu quả là tiền hưu của người lớn tuổi ở xứ kim chi thường thấp, không đủ trang trải cuộc sống khi về già và nhiều người phải quay lại thị trường lao động. Còn với những người già không thể đi làm trở lại, cuộc sống khốn khó và sự cô lập với xã hội dễ đưa đến việc tự tử. Tỷ lệ tự tử ở người lớn tuổi Hàn Quốc cao nhất trong số các nước OECD, ở mức 46,4/100.000 người, mà chủ yếu là vì nghèo khổ.
Dù vậy, nỗ lực cải cách lương hưu của chính phủ Hàn Quốc qua các thời kỳ đã nhiều lần bị trì hoãn hoặc thảo luận mà không có kết quả.
Hồi tháng 2, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã công bố một loạt cam kết nhằm cải thiện cuộc sống của người cao tuổi Hàn Quốc, bao gồm lợi ích về thuế và mở rộng hệ thống cung cấp bữa trưa miễn phí. Đảng này cũng có kế hoạch mở rộng vai trò của chính phủ và thu tiền của người nộp thuế trong việc chăm sóc người cao tuổi, song không đề cập khía cạnh tăng lương hưu.
Các chuyên gia cảnh báo nếu không nỗ lực giải quyết, vấn đề lương hưu có thể dẫn đến một thảm họa to lớn hơn, vì các thế hệ tương lai cũng có khả năng tiếp tục đối mặt với cảnh nghèo khó khi về già. Theo họ, trong vòng 10 hoặc 20 năm nữa, trợ cấp hưu trí quốc gia vẫn không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt khi nghỉ hưu.
NGUYỆT CÁT (Theo Korea Times, Korea Herald)