“Inside Out 2” (Những mảnh ghép cảm xúc 2) là phần tiếp theo của bộ phim đình đám được phát hành cách đây 9 năm của Pixar. Lần này, phim tập trung khai thác những cảm xúc mới, phức tạp khi cô bé Riley đến tuổi dậy thì. Hành trình lớn lên của nhân vật chính cũng như sự đấu tranh giữa 2 nhóm cảm xúc khác nhau đã mang lại một câu chuyện ý nghĩa, tiếp tục là một trong những phim đạt doanh thu cao và trụ rạp lâu.
Tại Cần Thơ, phim đang chiếu tại các cụm rạp của CGV và Lotte Cinema.
Cô bé Riley đau đầu vì sự đấu tranh, mâu thuẫn của 2 thủ lĩnh nhóm cảm xúc: Vui Vẻ và Lo Âu.
Tác phẩm lấy bối cảnh vài năm sau các sự kiện ở phần đầu. Riley lúc này bước sang tuổi 13, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Năm cảm xúc, gồm: Vui Vẻ, Buồn Bã, Chảnh Chọe, Giận Dữ và Sợ Hãi vất vả giúp Riley đối phó với những thứ mới lạ trong trại hè khúc côn cầu. Kết quả là một nhóm cảm xúc mới, gồm: Lo Âu, Ghen Tị, Chán Nản và Xấu Hổ xuất hiện. Trong lúc tìm cách điều khiển tâm trạng của chủ nhân, những cảm xúc liên tục cãi vã. Ðỉnh điểm mâu thuẫn là nhóm của Lo Âu chiếm quyền kiểm soát và nhốt các thành viên cũ vào nơi tăm tối. Vui Vẻ cùng các bạn tìm mọi cách quay về Trung khu não bộ để giúp Riley cân bằng tính cách và nhận ra chính mình…
Phim lấy chủ đề khủng hoảng tuổi mới lớn, đề cập những vấn đề giới trẻ phải đối mặt. Sự xuất hiện của những cảm xúc mới đánh dấu sự thay đổi về mặt tinh thần, khi Riley lo lắng về mối quan hệ bạn bè, việc học tập, chơi thể thao và hình ảnh bản thân. Trước đó, dưới sự điều khiển của cảm xúc Vui Vẻ, cuộc sống của Riley thuận lợi và rất tích cực. Tuy nhiên, khi những cảm xúc mới xuất hiện, các sự kiện dồn dập diễn ra khiến sự cân bằng này bị phá vỡ và mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của Vui Vẻ. Lúc này, Lo Âu là cảm xúc chiếm ưu thế trong giai đoạn dậy thì của Riley. Ðiều này khiến cô bé không còn vô tư, hồn nhiên mà lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng, thiếu tự tin về mọi việc. Thậm chí, Riley có những hành động quá đáng, sai lầm, làm mọi người bất ngờ…
Phim phản ánh đúng thực tế và tâm trạng của lứa tuổi đang trong giai đoạn dậy thì qua những hành động, suy nghĩ cụ thể. Hành trình đấu tranh giữa các cảm xúc cũng khá gay cấn, kịch tính. Ðặc biệt, phim không phê phán hay đề cao nhóm cảm xúc nào mà chỉ cho thấy: cảm xúc nào cũng cần thiết cho con người, tùy từng thời điểm, từng câu chuyện mà cảm xúc nào chiếm ưu thế và bộc lộ mạnh mẽ. Quan trọng là sau đó, con người thực sự hiểu được bản thân cần gì, muốn gì, rồi học cách cân bằng, dung hòa các cảm xúc và đưa ra được quyết định phù hợp, đúng đắn. Như Vui Vẻ luôn cho mình đúng khi mang lại hạnh phúc, sự lạc quan cho Riley, nhưng trải qua các biến cố, Vui Vẻ nhận ra phải có lúc để cô bé đối mặt với những đau buồn, thử thách, khó khăn thì mới dần trưởng thành được.
Phần hình ảnh của phim vẫn được chăm chút kỹ lưỡng, đồ họa chi tiết chỉn chu, sống động, mượt mà. Nhờ cái kết có hậu cùng thông điệp ý nghĩa, phim được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Tuy nhiên, với đối tượng là các khán giả độ tuổi thiếu nhi hay tiểu học thì phim thiếu hấp dẫn vì chưa cảm nhận được điều phim muốn truyền tải.