27/02/2023 - 21:18

Châu Phi trở thành đấu trường địa chính trị 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Dù Nga và Ukraine cách châu Phi hàng ngàn kilomet nhưng tác động của cuộc chiến đã được cảm nhận trên khắp lục địa đen không chỉ về an ninh lương thực mà cả vấn đề địa chính trị.

Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong cuộc gặp hồi tháng 1-2023. Ảnh: Xinhua

Bị “tấn công quyến rũ”

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong, cuộc chiến đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực ở các nước châu Phi như Ai Cập, Nigeria, Somalia, Sudan, Eritrea và Kenya vốn phụ thuộc vào lượng lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine, bởi nó làm gián đoạn chuỗi cung ứng và cắt giảm khả năng tiếp cận với lúa mì và phân bón giá cả phải chăng của các nước này. Và khi cuộc chiến bước sang năm thứ hai, căng thẳng giữa một bên là Trung Quốc, Nga và một bên là Mỹ gia tăng. Giới quan sát cho rằng châu Phi đã bị biến thành đấu trường địa chính trị của 3 “ông lớn” này.

Gustavo de Carvalho, nghiên cứu viên cấp cao về quản trị và ngoại giao châu Phi thuộc Viện các vấn đề quốc tế Nam Phi, cho biết cuộc chiến tại Ukraine có tác động gián tiếp đến quan hệ Trung Quốc - châu Phi. Theo ông, quan hệ ngoại giao, quân sự và kinh tế giữa Bắc Kinh với các nước trong khu vực hiện vẫn rất mạnh mẽ nhưng “cuộc xung đột đã tạo ra sự nhạy cảm về địa chính trị” trong bối cảnh Trung Quốc và phương Tây tranh ảnh hưởng ở châu Phi. Theo đó, cả Trung Quốc, Mỹ và Nga đều tiến hành “tấn công quyến rũ” ngoại giao để thu hút các nước châu Phi. Theo SCMP, để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và kêu gọi thêm nhiều quốc gia châu Phi lên án hành động của Nga tại Ukraine, Mỹ hồi tháng rồi lần lượt cử Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Ðại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield đến châu Phi. Một phái đoàn Mỹ khác cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia). Mới nhất là chuyến thăm châu Phi vừa kết thúc của Ðệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương trong tháng rồi đã đến thăm 5 quốc gia châu Phi, gồm Ethiopia, Angola, Gabon, Benin và Ai Cập. Chuyến công du này được đánh giá là lời khẳng định chính sách của Trung Quốc hướng đến lục địa đen nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên, thúc đẩy cam kết của Bắc Kinh tại khu vực.

Về phần mình, Nga đã cử Ngoại trưởng Sergey Lavrov tới châu Phi 3 lần kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra cách đây một năm nhằm tìm cách lôi kéo các nước châu Phi đứng về phía Mát-xcơ-va trong bối cảnh xứ bạch dương phải đối mặt với sự cô lập toàn cầu. Mặt khác, Nga còn tăng cường can dự quân sự với các nước châu Phi, gồm Libya, Burkina Faso, Sudan, Mali và Cộng hòa Trung Phi - nơi Wagner - công ty an ninh tư nhân của Nga có quan hệ với Ðiện Kremlin cung cấp an ninh cho chính phủ các nước trong khu vực. Vào năm 2021, khi Pháp bất hòa với chính phủ quân sự của Mali và rút quân khỏi đây, quốc gia Tây Phi này đã ký một thỏa thuận với Nga để đưa các huấn luyện viên quân sự đến và hầu hết là từ Wagner.

Giữ vững lập trường trung lập

Bất chấp sự lôi kéo của 3 siêu cường Mỹ, Nga, Trung, nhiều quốc gia châu Phi đã cố gắng duy trì lập trường trung lập vốn có của mình. Khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Nam Phi hồi năm ngoái, Bộ trưởng Hợp tác và Quan hệ quốc tế Nam Phi Naledi Pandor nói rằng phương Tây đã “bảo trợ” nhằm buộc các nước châu Phi lên án Nga. “Một điều tôi không thích là bị buộc chọn cái này hoặc cái khác” - ông Pandor bày tỏ quan điểm. Ðây cũng là quan điểm chung của nhiều nước châu Phi. Nhà nghiên cứu de Carvalho cho biết nhiều quốc gia châu Phi từ lâu ưa thích cách tiếp cận không liên kết đối với các tranh chấp địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực toàn cầu ngày càng gay gắt thì xuất hiện những lo ngại rằng các quốc gia châu Phi có thể bị kẹt ở giữa. “Việc một số nước châu Phi hồi năm 2022 bỏ phiếu trắng liên quan đến xung đột Nga - Ukraine cho thấy sự miễn cưỡng của họ trong việc đứng về phía nào trong các cuộc xung đột toàn cầu” - ông de Carvalho nói.

Ðược biết, trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết quan trọng của Ðại Hội đồng LHQ (UNGA) hồi tháng 3 năm ngoái lên án cuộc chiến của Nga tại Ukraine, có tới 17 nước đến từ châu Phi. Còn trong số 32 quốc gia bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu mới đây của UNGA nhằm yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine và chấm dứt giao tranh, có 15 nước đến từ châu Phi. Theo Paul Stronski, chuyên gia cấp cao tại Chương trình Nga và Á - Âu thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), các nước châu Phi coi xung đột tại Ukraine là một cuộc chiến ở châu Âu xa xôi và muốn tránh xa nó. Còn Benjamin Barton, chuyên gia về Trung Quốc - châu Phi tại Ðại học Nottingham (Anh) thì cho rằng việc các nước châu Phi bỏ phiếu trắng tại LHQ là một cách thức đơn giản để chính thức bày tỏ sự trung lập và không muốn có bất kỳ dính dáng nào đối với cuộc xung đột. “Việc bỏ phiếu trắng có thể được hiểu là một cuộc bỏ phiếu chiến thuật” - ông Barton nhận định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị thăm 4 nước châu Phi từ ngày 1-3 trong nỗ lực nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại khu vực này. Theo đó, ông Macron sẽ đến các nước gồm CHDC Congo, Gabon, Angola và Congo.

Chia sẻ bài viết