17/05/2024 - 19:45

Tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên gần 5 năm

Theo nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật, thương tích và yếu tố rủi ro toàn cầu năm 2021” mới đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, tuổi thọ trung bình toàn cầu được dự đoán tăng lên gần 5 năm vào năm 2050. Nhưng các yếu tố rủi ro như béo phì và huyết áp cao sẽ khiến con người phải sống trong tình trạng sức khỏe kém nhiều năm hơn.

Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2050, các chuyên gia dự đoán tuổi thọ trung bình sẽ tăng từ 71,1 lên 76 tuổi đối với nam và từ 76,2 lên 80,5 tuổi đối với nữ. Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng tuổi thọ này chủ yếu được thúc đẩy nhờ vào các biện pháp y tế công nhằm phòng ngừa và cải thiện tỷ lệ sống sót sau khi mắc các bệnh như tim, COVID-19, một số bệnh truyền nhiễm, bệnh hậu sản, bệnh ở trẻ sơ sinh và bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mặc dù tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng lên, song sự cải thiện này diễn ra với tốc độ chậm hơn so với 3 thập kỷ trước đại dịch COVID-19.

Theo nghiên cứu, tuổi thọ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ 73,6 tuổi vào năm 2022 lên 78,1 tuổi vào năm 2050, tức tăng 4,5 năm. Tuy nhiên, tổng số năm sống khỏe mạnh lại chỉ tăng 2,6 năm, từ 64,8 năm lên 67,4 năm. Nguyên nhân khiến sức khỏe con người giảm sút và tử vong sớm là do các yếu tố nguy cơ liên quan đến chuyển hóa (huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và chỉ số khối cơ thể cao) đã tăng gần 49,4% kể từ năm 2000.

Tình trạng ô nhiễm không khí, thói quen hút thuốc, cân nặng khi sinh thấp và thời gian mang thai ngắn cũng là những nguyên nhân lớn nhất khiến số năm sống khỏe mạnh của con người bị mất đi do sức khỏe kém và tử vong sớm vào năm 2021.

NGUYỆT CÁT (Theo DW, Irish News)

Chia sẻ bài viết