Các lãnh đạo quốc tế đã bày tỏ giận dữ về vụ tấn công Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng như làn sóng bạo lực nhắm vào các chính trị gia.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico (phải) và hiện trường vụ ám sát ông. Ảnh: Reuters/AP
“Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres cực lực lên án vụ tấn công hèn hạ hôm nay (15-5) nhằm vào Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Suy nghĩ của Tổng Thư ký LHQ hướng về Thủ tướng Fico và những người thân yêu của ông trong thời điểm khó khăn này”, người phát ngôn LHQ Farhan Haq nêu rõ.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả vụ nổ súng tấn công ông Fico là “tội ác ghê tởm” và bày tỏ hy vọng Thủ tướng Slovakia sẽ nhanh chóng bình phục.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án vụ nổ súng đe dọa tính mạng của Thủ tướng Fico là “hành vi bạo lực khủng khiếp”. Tổng thống Biden cho biết ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden “đang cầu nguyện cho Thủ tướng Fico hồi phục nhanh chóng và tâm trí của chúng tôi hướng về gia đình ông cũng như nhân dân Slovakia”.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ “bị sốc” với vụ ám sát. Nhà lãnh đạo Pháp “cực lực lên án” hành động này, đồng thời khẳng định “tình đoàn kết” với Thủ tướng Fico, “gia đình ông và nhân dân Slovakia”.
Vụ ám sát mang động cơ chính trị?
Trước đó, Thủ tướng Fico đã bị bắn nhiều lần trong một vụ nổ súng sau cuộc họp chính phủ ở thị trấn Handlova. Ông ngay lập tức được đưa tới bệnh viện, cách hiện trường khoảng 65km. Quốc hội Slovakia đã đình chỉ vô thời hạn phiên họp nhằm thảo luận về dự luật mới trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình vốn được triệu tập bất thường vào sáng cùng ngày.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Môi trường Slovakia Tomas Taraba cho biết Thủ tướng Fico hiện đã qua cơn nguy kịch. Trao đổi với giới truyền thông, Phó Thủ tướng Taraba cho biết, ca phẫu thuật diễn ra tốt đẹp và ông Fico không còn ở trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng.
Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova xác nhận tay súng tấn công Thủ tướng Fico đã bị cảnh sát bắt giữ tại hiện trường. Nhà lãnh đạo Slovakia gọi âm mưu ám sát đối thủ chính trị của bà là “hành động tấn công vào nền dân chủ”.
Báo chí Slovakia đưa tin đối tượng tấn công Thủ tướng Fico là một người đàn ông 71 tuổi, cựu nhân viên bảo vệ tại một trung tâm mua sắm, đồng thời là tác giả của 3 tập thơ và là thành viên của Hội Nhà văn Slovakia. Lịch sử Slovakia, quốc gia thành viên của cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), hiếm khi ghi nhận các vụ bạo lực chính trị.
Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Matus Sutaj Estok khẳng định, vụ ám sát nhằm vào Thủ tướng Fico mang động cơ chính trị và quyết định hành động của nghi phạm được đưa ra ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, với chiến thắng thuộc về ông Peter Pellegrini. Khi đó, ông Pellegrini, một đồng minh thân cận của ông Fico, đã đánh bại ứng cử viên đối lập theo chủ nghĩa tự do và thân phương Tây Ivan Korcok.
Tay súng được xác định là Juraj C. và cảnh sát cũng tin rằng hung thủ có động cơ chính trị “rõ ràng”.
Con đường chính trị của Thủ tướng Fico
Ông Fico sinh năm 1964 tại Slovakia (khi đó là Tiệp Khắc). Ông lấy bằng luật năm 1986 và lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội năm 1992 với tư cách là thành viên của đảng Dân chủ cánh tả.
Sau 5 năm đứng ở phía đối lập, đảng của ông Fico đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm ngoái với cương lĩnh thân Nga và chống Mỹ. Ông tuyên bố sẽ chấm dứt việc Slovakia cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine khi nước này chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, đồng thời lập luận rằng NATO và Washington đã kích động Mát-xcơ-va gây chiến.
Sau chiến thắng của ông Fico trong cuộc bầu cử, chính phủ mới lập tức ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Hàng ngàn người liên tục xuống đường trên khắp Slovakia để biểu tình phản đối các chính sách thân Nga và các chính sách khác của ông, bao gồm kế hoạch sửa đổi bộ luật hình sự nhằm loại bỏ một công tố viên đặc biệt chuyên chống tham nhũng và nắm quyền kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng.
Việc chính khách 59 tuổi này trở lại nắm quyền đã khiến những người chỉ trích lo ngại rằng ông và đảng của mình sẽ đưa Slovakia thoát khỏi con đường thân phương Tây. Giống như người đồng cấp Hungary Viktor Orban, ông Fico đã tìm cách khai thác sự chia rẽ về quyền LGBTQ, các vấn đề giới tính và người nhập cư, đồng thời mô tả EU và các tổ chức phi chính phủ là “kẻ thù” của nhà nước.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)