05/11/2024 - 08:37

Để sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2024-2025 

Vụ lúa đông xuân hằng năm ở vùng ÐBSCL thường bị ảnh hưởng của mưa, lũ, triều cường đầu vụ và hạn, mặn cuối vụ. Hiện nay lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang rút, nhưng vùng giữa và vùng ven biển của đồng bằng còn chịu tác động mạnh bởi triều cường. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm do tác động của hiện tượng La Nina làm gia tăng mưa, bão. Ðây là những điều kiện bất lợi cho sản xuất vụ lúa quan trọng nhất trong năm tới.

Nông dân trong vùng ĐBSCL cần thực hiện tốt các kỹ thuật canh tác để giúp cho vụ lúa đông xuân 2024-2025 sản xuất thắng lợi.

Đề phòng ngập úng ở đầu vụ

Theo Cục Trồng trọt, vụ lúa đông xuân 2024-2025, toàn vùng ÐBSCL có kế hoạch sản xuất 1,49 triệu héc-ta, xuống giống từ ngày 10-10 đến 31-12-2024, chia làm 3 đợt: Ðợt 1 (từ ngày 10 đến 30-10) xuống giống 387.400ha, chiếm 26% diện tích kế hoạch, là đợt xuống giống sớm né tránh hạn, mặn cuối vụ tại vùng ven biển có nguy cơ thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang; đợt 2 (từ ngày 1 đến 30-11) xuống giống 685.400ha, chiếm 46% kế hoạch, là đợt xuống giống chính cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển của đồng bằng; đợt 3 (từ ngày 1 đến 31-12) xuống giống 387.400ha, chiếm 26% diện tích kế hoạch. Trong thời gian này, thời tiết trong vùng còn nhiều mưa, bão, triều cường, có khả năng ảnh hưởng lớn đến việc xuống giống, nhất là gây ngập úng, chết giống ở giai đoạn lúa mới sạ và làm đổ ngã, thiếu nước, giảm năng suất, thất thu ở giai đoạn lúa chín, thu hoạch.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong tháng 11-2024, lũ đầu nguồn ÐBSCL sẽ rút nhanh, nhưng các khu vực ven sông Tiền, sông Hậu mực nước còn cao trở lại trong các kỳ triều cường. Mực nước lớn nhất hàng ngày ở vùng trung tâm của đồng bằng tại trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), Cần Thơ (sông Hậu) luôn duy trì ở mức cao hơn 1,6m ở tháng 10 và tháng 11. Riêng tại vùng ven biển và vùng trung tâm đồng bằng, mực nước tại 2 vùng này tiếp tục cao trở lại vào các kỳ triều cường ngày 3 đến 7-11, 16 đến 19-11 và ngày 3 đến 5-12 nhưng ở mức thấp hơn so với kỳ triều cường từ ngày 18 đến 21-10-2024 vừa qua (kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch).

Còn theo nhận định của Ðài khí tượng - thủy văn khu vực Nam Bộ, mùa mưa năm 2024 ở Nam Bộ có khả năng kết thúc vào khoảng xấp xỉ đến muộn hơn trung bình nhiều năm từ 5-10 ngày và phổ biến trong khoảng từ ngày 25-11 đến 5-12. Trong tháng 10 khả năng sẽ có nhiều đợt mưa diện rộng với một vài nơi có mưa vừa, mưa to dài ngày; nửa đầu tháng 11, cũng sẽ có 1-2 đợt mưa diện rộng nhưng đợt mưa này có lượng phổ biến nhỏ đến vừa, mưa lớn không còn nhiều nữa.

Vì vậy, để đảm bảo điều kiện sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025, người dân cần chủ động be bờ và tiêu thoát nước khi triều xuống hoặc chủ động bơm rút nước ra. Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi theo kế hoạch năm nay, nhất là công trình thủy lợi nội đồng. Trong đó, cần tập trung đầu tư cho công tác thủy lợi để đảm bảo chống tràn, chống ngập úng, bảo vệ an toàn cho diện tích và tăng sản lượng vụ lúa đông xuân hơn nữa; vận hành các trạm bơm tiêu cố định hiện có và lắp thêm các máy bơm di động (giải pháp tiêu bằng động lực) ở những khu ruộng trũng, khó tiêu tự chảy để tiêu thoát nước hết diện tích lúa đã gieo sạ khi gặp những điều kiện bất lợi về thời tiết xảy ra.

Các yếu tố đảm bảo sản xuất thắng lợi

Theo Cục Trồng trọt, bố trí thời vụ lúa vụ đông xuân 2024-2025, các địa phương trong vùng cần tập trung rà soát bố trí thời vụ xuống giống và cơ cấu giống lúa phù hợp trong từng tháng, từng tiểu vùng, đồng thời theo dõi chặt chẽ nguồn nước, có phương án điều tiết cấp thoát nước, sử dụng nước phù hợp cho sản xuất. Ngoài ra, cần bám sát theo việc vận hành các hệ thống công trình thủy lợi đồng thời căn cứ theo bản đồ nguy cơ cho lúa vào những năm cực đoan lũ và hạn mặn đã được xây dựng trước đây để làm cơ sở cho bố trí mùa vụ sản xuất. Tranh thủ xuống giống sớm trong tháng 10 có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và hạn chế bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển. Tuy nhiên xuống giống sớm trong tháng 10 cũng sẽ có một số bất lợi về thời tiết ở giai đoạn đòng trổ.

Một điều kiện quan trọng nữa là, theo Cục Trồng trọt, khi bố trí thời vụ cho lúa đông xuân cần lưu ý trong kỹ thuật canh tác như tập trung cày ải, phơi đất, cải tạo mặt bằng, vệ sinh đồng ruộng và giãn cách giữa hai vụ ít nhất 3 tuần; mật độ sạ (khối lượng hạt giống lúa sử dụng/ha) thích hợp, sử dụng lượng giống từ 80-100 kg/ha, sạ lan hay bằng trang thiết bị sạ bằng máy, công cụ sạ hàng; đồng thời tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ áp dụng và hiệu quả kinh tế của việc sử dụng giống lúa xác nhận, cày ải, áp dụng 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, thu hồi rơm, rạ tái sử dụng... Bên cạnh, nông dân cần cân đối sử dụng phân bón trong vụ này, ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão, khô hạn...

Sử dụng những giống lúa cho vụ đông xuân, ngoài những giống lúa có tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã, chịu hạn mặn... Cục Trồng trọt còn khuyến cáo nông dân sử dụng giống có thời gian sinh trưởng ngắn và có phẩm chất gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Các nhóm giống lúa chính khuyến cáo sử dụng, gồm: Nhóm giống lúa chủ lực khả năng thích ứng rộng, diện tích ổn định, khả năng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt như: OM 18, OM 5451, OM 4900, OM 6976, Jasmine 85, Ðài Thơm 8, OM 7347, Nàng Hoa 9... Nhóm giống bổ sung thích hợp một số vùng sản xuất đặc thù, phù hợp tập quán canh tác, có thị trường hẹp như RVT, nếp IR 4625, ÐS1, Tài Nguyên, ST 24, ML202, OM 9582...Nhóm các giống lúa chịu được độ mặn ở mức độ trung bình, khá như OM 6976, OM 5451, OM 9921, OM380... và các giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn, gồm OM 9577, OM 9955...

Các nhà chuyên môn còn cho rằng, song song với việc tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giúp cho vụ lúa đông xuân vừa an toàn trước thiên tai vừa giúp tăng năng suất, sản lượng lúa, thì cũng cần chú trọng đến vấn đề xã hội khác như sự liên kết giữa nông dân, tổ chức sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác) với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp... Các địa phương có điều kiện thì triển khai kế hoạch thực hiện Ðề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế lẫn môi trường.

Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết