Nông sản Việt Nam đa dạng chủng loại, chất lượng ngày càng được cải thiện nên xâm nhập được nhiều thị trường, kể cả các thị trường cao cấp, khó tính trên thế giới. Tuy vậy, do đặc tính mùa vụ, nông sản nước ta gặp nhiều áp lực trong thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần tận dụng các phương thức vận tải xuất khẩu phù hợp; tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nông sản ngay từ gốc; tập trung đa dạng hóa sản phẩm, chế biến tinh sâu; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tại nhiều thị trường...

Sầu riêng được chọn lựa phục vụ xuất khẩu tại Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, tỉnh Bến Tre.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Việt Nam có diện tích cây ăn trái 1,2 triệu héc-ta, với sản lượng trên 12 triệu tấn trái cây/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 7,148 tỉ USD, tăng 28% so năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2025 đạt 2,3 tỉ USD, giảm 13,5% so cùng kỳ năm 2024. Rau quả Việt Nam hiện có mặt trên hơn 80 thị trường trên thế giới. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65-70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong giai đoạn trước 2025. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai của rau quả Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Các mặt hàng chủ lực bao gồm dừa, sầu riêng, thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm... Bên cạnh đó, các thị trường ưa chuộng trái cây Việt Nam có thể kể đến là Hàn Quốc, EU…
Ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động đầu tư vào công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn như Global GAP, VietGAP giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định FTA thế hệ mới, tạo cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường tiềm năng, với các ưu đãi thuế quan có khi chỉ 0%. Việc đẩy mạnh chế biến sâu, tinh giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu (nước ép, trái cây sấy khô, đông lạnh...) và giảm áp lực phụ thuộc vào trái cây tươi”.
Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm, thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm gần 7% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, đạt hơn 4 tỉ USD năm 2024. Tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 6%/năm trong 10 năm qua. “Năm 2024, sản lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật tăng gấp gần 10 lần năm 2023, và chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, gạo nhập khẩu đã vượt tổng sản lượng nhập khẩu cả năm 2024. Các trái cây tươi như vải, xoài, thanh long, nhãn đã được người tiêu dùng tại Nhật Bản ủng hộ, ưa chuộng. Ðối với mùa vải năm nay, có doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu hơn 100 tấn vải tươi từ đầu mùa, dự kiến cuối vụ đạt 200 tấn. AEON và các siêu thị cao cấp khác cũng đang tích cực nhập hàng Việt. Trái vải tươi được bán tại các hệ thống bán lẻ và trên các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, Amazon…” - ông Tạ Ðức Minh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin.
Giải pháp trước mắt và lâu dài
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song trước bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, xu hướng bảo hộ gia tăng và các rào cản phi thuế quan ngày càng khắt khe, ngành nông sản Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng có tính mùa vụ cao (vải, nhãn, xoài, chôm chôm, thanh long, sầu riêng...) đang chịu sức ép lớn trong việc duy trì đơn hàng, giữ thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các thị trường nhập khẩu lớn nông sản nước ta liên tục siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, truy xuất nguồn gốc và điều kiện lao động đi cùng với sự cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt khiến doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn. Trong nước, sản xuất vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, thiếu liên kết chuỗi giá trị, công nghệ bảo quản và chế biến còn lạc hậu; đặc tính mùa vụ khiến áp lực thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản trở nên dồn dập, dễ gây ra tình trạng ùn ứ và rớt giá… Bên cạnh đó, Công nghệ sau thu hoạch và logistics còn yếu như hạ tầng kho lạnh và vận chuyển lạnh chưa đủ phát triển bao phủ các khâu, chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tươi và khả năng cạnh tranh…
Ðể vượt qua khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu rau quả bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nắm bắt xu hướng và thị hiếu tiêu dùng của người dân nước sở tại. Theo ông Tạ Ðức Minh, người Nhật coi trọng truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, 70% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm để mua hàng có chứng nhận. Bao bì đẹp và thông tin đầy đủ có thể tăng khả năng tiêu thụ 20-30%. Chính sự hấp dẫn, thu hút của bao bì đã giúp sản phẩm tự chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. Giá cả tại Nhật ổn định nhưng yêu cầu cao về chất lượng. Doanh nghiệp Việt không nên cạnh tranh bằng giá thấp, mà nên tạo giá trị bằng chế biến sâu, chẳng hạn trái cây sấy giá trị cao gấp 2-3 lần hàng tươi; bao bì thân thiện môi trường, 60% người Nhật ưu tiên mua nếu bao bì bền vững.
Việt Nam cần sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, hiệp hội doanh nghiệp/ngành hàng và doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết những khó khăn hiện tại và thúc đẩy xuất khẩu nông sản rau quả mùa vụ. Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, giải pháp trước mắt là xem xét, áp dụng công nghệ số, đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu rườm rà không hiệu quả cho Doanh nghiệp để nhanh chóng thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, cảng biển, sân bay; kịp thời làm việc với các cửa khẩu biên giới để ưu tiên thông quan các hàng hóa có tính thời vụ cao, dễ hư hỏng như vải, nhãn, xoài, thanh long... Về lâu dài cần tập trung đầu tư vào vùng trồng, quy trình sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; nâng cao năng lực kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; hỗ trợ đầu tư phát triển thêm công nghệ chế biến, chế biến tinh để đa dạng hóa các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đầu tư vào logistics và công nghệ sau thu hoạch như hỗ trợ, đầu tư phát triển hệ thống kho lạnh, vận tải lạnh chuyên dụng, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến để giảm hao hụt và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ðối với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Quân, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) lưu ý, thị trường Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, Việt Nam cần tăng cường quản lý, giám sát đối với nông sản ngay tại các cơ sở sản xuất, vùng trồng nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Hoạt động xúc tiến xuất khẩu cũng phải được chú trọng thông qua việc tích cực tham gia các hội chợ chuyên ngành nông sản và tổ chức các sự kiện lớn như lễ hội trái cây, tuần lễ sản phẩm nông sản tại các hệ thống phân phối, bán lẻ sở tại. Ðặc biệt, khi các loại nông sản vào chính vụ, doanh nghiệp cần tận dụng các phương thức vận tải đường biển, đường sắt đối với các sản phẩm phù hợp để tránh tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ biên giới.
Bài, ảnh: MỸ THANH