04/07/2025 - 21:51

Hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ĐBSCL 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng ĐBSCL, nhất là hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để giúp người dân vùng ĐBSCL ổn định cuộc sống và phát triển sinh kế bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) đã phối hợp các địa phương, tổ chức quốc tế và đơn vị có liên quan triển khai Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL (Dự án MERIT hay còn gọi WB9). Dự án này đã giúp nhiều người dân trong vùng được hưởng lợi.

Kết quả tích cực

Dự án WB9 đã góp phần làm thay đổi cuộc sống, nâng cao khả năng chống chịu và phát triển sinh kế bền vững cho nhiều người dân vùng ĐBSCL. Kết quả, có hơn 1,838 triệu dân được hưởng lợi từ dự án, trong đó 49% là phụ nữ. Số diện tích được dự án hỗ trợ các biện pháp quản lý đất và nước có tính chống chịu khí hậu đạt 207.292ha. Số hộ dân được dự án hỗ trợ áp dụng biện pháp quản lý đất và nước có tính chống chịu khí hậu đến nay đạt hơn 112.010 hộ.

Thu hoạch lúa tại mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Hợp tác xã Tiến Dũng ở xã Thạnh Phú, TP Cần Thơ.

Theo Ban Quản lý Dự án WB9, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực sau 8 năm (2016-2024) triển khai. Đó là hoàn thành việc lập Quy hoạch vùng ĐBSCL kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022. Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát về nước mặt, nước ngầm, biến động bờ sông và bờ biển bằng công nghệ viễn thám. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu ĐBSCL. Hoàn thành việc lập quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi. Hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho nhiều người dân và đã có 54 loại hình sinh kế được hỗ trợ, số mô hình trình diễn là 895 mô hình… Theo ông Nguyễn Đình Hậu, Giám đốc Ban Quản lý dự án WB9, dự án cũng đầu tư xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng thủy lợi lớn phục vụ chuyển đổi sinh kế. Cụ thể như, đầu tư, cải tạo và nâng cấp gần 350km đê, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn; xây dựng 160 cống và cầu các loại; xây dựng gần 45km kè giảm sóng, gây bồi tạo bãi, bảo vệ bờ biển; nạo vét khoảng 162km kênh mương, trồng 1.000ha rừng…

Dự án WB9 có tổng vốn đầu tư là 384,979 triệu USD, tương đương hơn 8.577,3 tỉ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 310 triệu USD và vốn đối ứng 72,547 triệu USD. Nội dung của dự án gồm các hợp phần: tăng cường công tác giám sát, phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu; quản lý lũ vùng thượng nguồn; thích ứng với chuyển đổi độ mặn vùng cửa sông ven biển; bảo vệ khu vực bờ biển vùng bán đảo… Dự án được triển khai tại một số địa phương thuộc vùng ĐBSCL (khi chưa hợp nhất), gồm: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang.

Hướng đến phát triển bền vững

ĐBSCL đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nơi đây cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, trên 60% sản lượng thủy sản và khoảng 75% sản lượng trái cây của cả nước, đồng thời cũng là vùng đa dạng sinh học quan trọng. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đã và vẫn còn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ BĐKH, với sự xuất hiện của nhiều loại hình thiên tai và thời tiết cực đoan như xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt bất thường, sụt lún, nước biển dâng và xói lở đất. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực thích ứng và chuyển đổi bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Từ thành công của dự án WB9, Bộ NN&MT cùng với Bộ Tài chính và WB đã phối hợp nỗ lực đề xuất Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT-WB11). Điều này cũng cho thấy một sự tiếp nối và nâng tầm trong các nỗ lực ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Dự án WB11 được kỳ vọng là cánh cửa mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho ĐBSCL. Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&MT cũng đã chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị tổng kết dự án WB9 để đánh giá lại các kết quả, bài học kinh nghiệm từ dự án và đề ra các định hướng cho WB11.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&MT, thông qua Dự án WB9, thế hệ mới - lực lượng lớn cán bộ ĐBSCL trưởng thành, tích lũy được kinh nghiệm và nhiều nông dân thông qua dự án này có tư duy sản xuất mới, không rời khỏi ĐBSCL để tìm sinh kế. Cũng theo ông Hiệp, dù Dự án WB9 đã thành công nhưng hiện nay các thách thức cho ĐBSCL vẫn còn do dự án mới chỉ giải quyết được một phần. ĐBSCL hiện đang chịu thách thức rất lớn từ việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn, đồng thời BĐKH và nước biển dâng nhanh hơn so với kịch bản được dự đoán. Kể cả câu chuyện phát triển kinh tế - xã hội nội tại của vùng ĐBSCL, vùng chắc chắn sẽ có những dịch chuyển rất lớn… Trong tổng thể ấy, không giải quyết riêng nông nghiệp mà còn kinh tế - xã hội, không giải quyết xâm nhập mặn riêng mà giải quyết câu chuyện nước cho phát triển dân sinh, không giải quyết câu chuyện sạt lở, sụt lún, ngập úng đô thị riêng mà giải quyết câu chuyện làm thế nào để khắc phục tình trạng nước biển dâng, sụt lún, chỉnh trị phân bổ được nguồn nước. WB11 sẽ được thực hiện trên tinh thần tiếp tục những thành công, kết quả, kinh nghiệm từ WB9. Tập trung các nội dung tương tự, trong đó có đầu tư hạ tầng và phát triển các mô hình sinh kế. Đồng thời, có các điều chỉnh để tiếp cận tốt hơn và hỗ trợ người dân đẩy nhanh thực hiện việc xoay trục chiến lược phát triển nông nghiệp từ lúa gạo, trái cây và thủy sản sang ưu tiên thủy sản, trái cây và lúa gạo theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH. Phải nâng giá trị thủy sản và trái cây lên, lúa gạo vẫn phát triển nhưng ở quy mô theo đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, chứ không đầu tư quá nhiều vào tăng năng suất. Như vậy, các hoạt động về sinh kế và hạ tầng sẽ tập trung nhiều hơn cho nuôi trồng thủy sản, làm thế nào chuyển nhanh từ câu chuyện ngăn mặn, giữ ngọt trước đây sang điều hòa mặn ngọt, từ đó phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, chú ý phát triển các vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với chế biến, logistics… cho phù hợp. Điều chỉnh rõ hơn sang kinh tế xanh, tuần hoàn và Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là một ví dụ điển hình.

Dự án WB11 có tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỉ đồng, với sự tham gia của Bộ NN&MT cùng nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Chủ nhiệm Dự án WB11, các địa phương tham gia sẽ được hưởng cơ chế cấp phát tới 90% vốn vay và chỉ vay lại 10%. Điều này giúp giảm thiểu đáng kể gánh nặng tài chính cho các địa phương, khuyến khích sự tham gia tích cực và chủ động hơn của các tỉnh trong việc triển khai các dự án quy mô lớn.

Theo bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Lào và Campuchia, tới đây WB tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam thực hiện Dự án WB11. Dự án này sẽ kế thừa và mở rộng những kết quả cùng tác động tích cực của dự án WB9. Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục đóng góp nguồn lực tài chính, kiến thức toàn cầu và năng lực kết nối, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các đối tác phát triển, doanh nghiệp và người dân, vì một ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng và bao trùm…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết