Vị thế TP Cần Thơ mới sau hợp nhất TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng với diện tích mở rộng và tài nguyên đa dạng, tạo điều kiện cho du lịch sinh thái phát huy giá trị, định hình những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Mở rộng không gian, tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng.

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp ở Bảo Gia Farm Camping.
TP Cần Thơ (cũ) là đô thị ven sông với khoảng 65km trải dài theo các dòng sông, quanh năm được phù sa bồi lắng. Điều kiện tự nhiên này giúp thành phố phát triển đa dạng các vườn cây ăn trái. Hệ thống các cù lao và kênh rạch chằng chịt cũng tạo thuận lợi để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Đồng thời, nơi đây có diện tích đất nông nghiệp 114.034ha. Trong đó, diện tích sản xuất lúa khoảng 76.000ha, diện tích cây ăn trái khoảng 25.000ha (chuyên canh đến 11.880ha), diện tích thủy sản khoảng 10.000ha. Tất cả những điều kiện này giúp Cần Thơ định hình sản phẩm du lịch sinh thái nổi bật: khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, như vùng phát triển điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn (Phong Điền cũ); vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh, làng nghề (Bình Thủy cũ); khu cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước (Thốt Nốt cũ); du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng sinh thái (Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền cũ)… Theo đó, tại các địa phương đã dần hình thành những sản phẩm du lịch sinh thái nổi bật thu hút du khách: cồn Sơn, Cantho Eco Resort, Làng du lịch Mỹ Khánh…
Trong khi đó, du lịch tỉnh Hậu Giang (cũ) nổi bật với giá trị cảnh quan, sinh thái sông nước. Nổi bật là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, hệ sinh thái nông nghiệp cùng những cánh đồng lúa, vườn cây trái; đặc biệt là không gian văn hóa chợ nổi Ngã Bảy, kênh xáng Xà No… Dựa trên thế mạnh đặc trưng về tài nguyên, Hậu Giang (cũ) phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm lâm nghiệp, văn hóa sông nước, nông nghiệp. Trong đó có nhiều điểm đến nổi bật: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, vườn khóm Cầu Đúc, vườn dâu Thiên Ân, Bảo Gia Farm Camping, vườn tre Tư Sang, trang trại dê Ngọc Đào…
Tỉnh Sóc Trăng (cũ) ở ven biển phía nam sông Hậu, có bờ biển dài 72km với ba cửa sông lớn đổ ra biển là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50km dọc theo bờ sông Hậu. Đây là lợi thế giúp phát triển du lịch sinh thái với đa dạng sản phẩm. Tại đây có 3 cụm không gian sản phẩm nổi bật: du lịch sinh thái với trải nghiệm văn hóa cộng đồng Nam Bộ dọc tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; du lịch sinh thái với trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng trên cồn Mỹ Phước; du lịch cộng đồng khám phá hệ sinh thái biển, rừng ngập mặn ở Mỏ Ó, Hồ Bể, cù lao Dung…
Sự đa dạng hệ sinh thái của 3 địa phương trước hợp nhất là Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng là điều kiện để TP Cần Thơ mới phát huy giá trị tiềm năng du lịch sinh thái. Các sản phẩm du lịch sinh thái nếu được định hướng và xây dựng tốt sẽ tạo ra nhiều trải nghiệm bản địa độc đáo.
Phát huy giá trị sinh thái tự nhiên và hệ thống cồn dọc sông Hậu
TP Cần Thơ mới nổi bật với hệ sinh thái tự nhiên và hệ thống cồn, cù lao dọc sông Hậu. Theo đó, các sản phẩm du lịch sinh thái của từng không gian du lịch cũng có màu sắc riêng biệt.

Du khách tham quan làng bè tại cồn Sơn.
Cụ thể, cù lao Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Ấu đã và đang phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với văn hóa đời sống sông nước Nam Bộ, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Trong đó, cồn Sơn trở thành điểm đến trải nghiệm, nghiên cứu và bảo tồn về thủy sản nước ngọt trên sông Hậu. Cồn Ấu nổi bật với hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp. Ngoài ra, vùng đất Phong Điền định hình với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn, nổi bật với nhiều điểm đến đa trải nghiệm: Cantho Eco Resort, Làng du lịch Mỹ Khánh, Mekong Silt Ecolodge…
Cồn Mỹ Phước, cù lao Phong Nẫm, cù lao Dung phát triển với các sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch biển và bảo vệ hệ sinh thái rừng. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm du lịch cù lao Dung. Vùng đất này có diện tích hơn 23.000ha, có vị trí địa lý đặc biệt khi giáp biển với hai cửa sông Định An và Trần Đề đổ ra biển tạo nên hệ sinh thái độc đáo và đa dạng: ngọt, lợ, mặn. Tại đây vừa có vườn cây ăn trái trĩu quả, rẫy mía, vuông tôm, rừng bần bạt ngàn… tạo nên những trải nghiệm độc đáo, đậm văn hóa bản địa. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ mới có Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích trên 2.800ha, có giá trị đa dạng sinh học cao, thích hợp phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên.
Như vậy, TP Cần Thơ mới có tài nguyên sinh thái đa dạng của miệt vườn sông nước, lâm nghiệp (hệ thống rừng ngập mặn, rừng phòng hộ…) và biển, sẽ góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch sinh thái bản địa đặc sắc. Với vị thế mới của Cần Thơ, du lịch sinh thái cần được quy hoạch các không gian phát triển, định hình các sản phẩm du lịch then chốt để phát huy giá trị tài nguyên, văn hóa đặc trưng của từng vùng, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, có dấu ấn bản sắc riêng.