Theo phát hiện mới công bố trên Tạp chí Frontiers in Psychology, việc tiêu thụ một số thực phẩm nhất định - gồm các chế phẩm từ sữa, món tráng miệng/đồ ngọt, thức ăn cay, thịt và ngũ cốc - vào buổi tối có thể khiến chúng ta dễ gặp ác mộng hơn.

Dùng quá nhiều chế phẩm từ sữa vào buổi tối và cận giờ ngủ dễ gặp ác mộng. Ảnh: iStock
Ðể tìm hiểu mối liên hệ giữa thực phẩm tiêu thụ và giấc mơ, các chuyên gia tại Ðại học Montreal (Canada) đã khảo sát hơn 1.000 người tham gia có tuổi trung bình là 20, thông qua các bảng câu hỏi được thiết kế để đánh giá chất lượng giấc ngủ, tần suất và mức độ nghiêm trọng của ác mộng, thói quen ăn uống, sự nhạy cảm với thực phẩm và nhiều yếu tố tâm lý khác. Kết quả cho thấy có 40,2% ghi nhận thức ăn ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của họ, trong khi 5,5% báo cáo thức ăn ảnh hưởng đến giấc mơ của họ.
Trong số những người ghi nhận giấc mơ của họ phụ thuộc vào thức ăn tiêu thụ, thì đồ tráng miệng/đồ ngọt là “thủ phạm” thường bị đổ lỗi là nguyên nhân gây ra những giấc mơ khó chịu (chiếm 31%), tiếp theo là sữa và các chế phẩm từ sữa (22%). Thức ăn cay, thịt và ngũ cốc cũng nằm trong danh sách thực phẩm kích thích ác mộng. Ðáng chú ý, những người không dung nạp lactose (một loại đường tự nhiên trong sữa và chế phẩm từ sữa) có điểm số gặp ác mộng cao hơn đáng kể, với các triệu chứng đường tiêu hóa như đầy hơi và chuột rút.
Dị ứng thực phẩm và không dung nạp gluten cũng liên quan đến tác động của thực phẩm lên giấc mơ của người tham gia. Ðiều này chỉ ra rằng phản ứng của hệ miễn dịch đối với thực phẩm góp phần gây ra rối loạn giấc mơ, ngoài cảm giác khó chịu về tiêu hóa.
Trong khi đó, những người tham gia có chất lượng giấc ngủ tốt hơn thường ghi nhận trái cây, rau và trà thảo mộc có trong bữa tối của họ. Việc này phù hợp với nghiên cứu hiện có cho thấy một số loại thực phẩm có thể giúp cải thiện hoặc phá vỡ chất lượng giấc ngủ và ngủ kém ngon giấc là yếu tố kích hoạt ác mộng.
Ngoài loại thực phẩm tiêu thụ, nhóm nghiên cứu cũng xem xét mối liên hệ giữa thời gian ăn tối với chất lượng giấc ngủ. Các chuyên gia phát hiện thói quen ăn khuya và ăn vặt buổi tối có liên quan chặt chẽ đến chất lượng giấc ngủ kém và tần suất gặp ác mộng tăng lên. Những người hay ăn đêm (thường thức dậy giữa đêm để ăn vặt) cho thấy mối liên hệ đặc biệt mạnh mẽ với việc xảy ra ác mộng. Ăn đêm cũng liên quan đến nhiều cảm xúc tiêu cực trong mơ hơn và có điểm số đánh giá ác mộng cao hơn. Các chuyên gia giải thích rằng hệ tiêu hóa cần thời gian để xử lý thức ăn trước khi chúng ta ngủ, nên việc ăn gần giờ ngủ có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ tự nhiên.
Cơ chế mà thực phẩm ảnh hưởng đến giấc mơ
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số cơ chế để giải thích cách thức mà thức ăn có thể ảnh hưởng đến giấc mơ. Trong đó, cơ chế được đề xuất nhiều nhất liên quan đến trục não - ruột (mạng lưới giao tiếp phức tạp giữa hệ tiêu hóa và bộ não). Theo đó, khi ăn những thực phẩm gây khó chịu cho đường tiêu hóa, những cảm giác khó chịu đó không biến mất khi chúng ta ngủ, mà thay vào đó, chúng có thể xâm nhập vào giấc mơ với nội dung gây khó chịu hoặc kỳ lạ.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng các triệu chứng lo âu và trầm cảm lý giải một phần mối quan hệ giữa các vấn đề tiêu hóa và ác mộng, nghĩa là sự khó chịu về thể chất tạo ra căng thẳng tinh thần sau đó biểu hiện thành nội dung giấc mơ.
Theo các tác giả, nghiên cứu mới đã cung cấp các giải pháp thiết thực cho những người đang thường xuyên vật lộn với những cơn ác mộng hoặc giấc ngủ bị gián đoạn. Cụ thể là thay vì dùng thuốc ngủ, hãy xem xét chế độ ăn uống hằng ngày, đặc biệt là thói quen ăn uống vào buổi tối và khả năng nhạy cảm với thực phẩm.
AN NHIÊN (Theo Study Finds)