Nguyễn Hữu Hiệp
Sống ở vùng sông nước kênh rạch chằng chịt, hoạt động cộng đồng cũng như thú vui giải trí, thể thao của cư dân miền Tây Nam Bộ từ xưa đến nay thể hiện những tập quán, tín ngưỡng dân gian gắn liền với dòng sông và phương tiện di chuyển trên sông rạch là ghe thuyền. Trong bài viết này, xin kể với quý độc giả đôi câu chuyện xưa chuyện nay về việc đua tài trên sông nước của cư dân ÐBSCL, nhất là ở vùng đầu nguồn An Giang và nét đẹp đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer.
Sống ở vùng thượng nguồn, địa bàn chằng chịt sông to, rạch nhỏ “nên trong mười người đã có chín người biết nghề bơi lội, chèo thuyền” (sách “Gia Ðịnh thành thông chí”), lại thêm do gắn bó với sông nước và giỏi bơi lội nên cư dân lớp trước ở An Giang rất thích bơi đua. Họ luyện tập hằng ngày mỗi khi sinh hoạt trên sông nước. Gọi “đua” nhưng không đua tốc độ, không hơn thua về đích sớm muộn, mà thi về độ xa, bơi càng xa càng chứng tỏ gan dạ và thiện nghệ. Cho đến nay họ vẫn thường tổ chức bơi đua trong những ngày lễ hội của địa phương, nhất là vào dịp cúng đình, nhằm phát huy và ghi nhớ những trận đánh và chiến thắng giặc trên sông của tiền nhân. Trong tinh thần đó bà con thường luyện tập để ứng phó khi gặp sóng to gió lớn hoặc để cứu nạn.

Đua ghe Ngo. Ảnh: DUY KHÔI
Về đua thuyền, sách “Ðại Nam nhất thống chí” phần nói về phong tục An Giang ghi: “Tháng tám rước nước, tháng mười đưa nước (tháng tám hội cả ghe thuyền đi rước Hồ tăng, bơi gấp đến sông Tam Kỳ, đánh trống đất, gẩy hồ cầm, xong rồi buông chèo, giao tiếp cùng nhau một hồi rồi giải tán, gọi là lễ rước nước), tháng mười cũng vậy, gọi là đưa nước (tức như người mình nói lụt đến, lụt lui vậy”. Trong sách cũng đề cập đến phong tục của đồng bào dân tộc Khmer: “Thường năm đến tháng ba sửa lều trại, sắm sửa hoa quả hương đèn, đến cúng nơi chùa Hồ. Về sau (vui chơi suốt) ba ngày, hội nhau ăn uống, đánh cầu, gọi là mừng năm mới, cũng như người mình làm lễ Nguyên đán vậy”.
Với đồng bào dân tộc Khmer, ghe đua là loại ghe chuyên dùng, gọi ghe Ngo, được làm bằng một cây sao to, thường cây có độ tuổi từ 80 đến 100 năm, dài từ 20-30m hoặc hơn. Nguyên thủy, ghe Ngo không phải được đóng khép bằng nhiều tấm ván be, mà chỉ móc bỏ ruột, dùng lửa thui để nêm nong cho bụng ghe phình rộng ra, đạt đến đường kính 1,2m-1,5m. Mũi và lái ghe được chạm trổ trang trí rất đẹp, thường là hình rắn, rồng… hoặc những con vật có gắn nhiều huyền thoại trong tôn giáo cổ xưa.
Tùy sức chở của ghe, mỗi đội đua từ 20-60 tay đua (đúng luật chơi là 56 “quân bơi”), họ ngồi xếp thành hàng đôi khít nhau, có người cầm lái, một người đứng trước mũi cầm dầm múa và hô lớn ra hiệu lệnh. Ghe lớn thì có thêm một người đứng giữa, đánh cồng vang dội theo nhịp và động tác của người chỉ huy trước mũi, hoặc thổi kèn (hay còi) theo nhịp đôi hoặc ba, thúc từng chập liên tục.
Ðể giành thắng lợi trong cuộc đua, các vận động viên phải tập bơi đúng kỹ thuật hàng tháng trời, trước hết là “bơi gió” theo tiếng nhạc, bằng cách bắc ván ngang qua một con rạch nhỏ, rồi cùng ngồi vào cầm dầm bơi khơi trong không trung, theo hiệu lệnh của người chỉ huy cho thật nhịp nhàng và cũng để quen gân cốt, bao giờ nhuần nhuyễn và đạt mọi yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, mới được xuống ghe thực tập để không bị lật chìm.
Ðồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ dùng ghe Ngo từ rất lâu đời, tuy nay không còn phù hợp trong việc đi lại và vận chuyển, nhưng ghe Ngo vẫn được bà con bảo lưu, xem như “ghe tổ”, chỉ dùng để đua trong các dịp lễ hội truyền thống. Ðua xong thì đưa ghe lên bờ, cho vào “an trí” trong “nhà để ghe, cạnh chùa”.

Cận cảnh mũi một chiếc ghe Ngo trước cuộc đua. Ảnh: DUY KHÔI
Ðua ghe Ngo cũng là một trong những hoạt động có tính nghi thức và biểu tượng trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ. Như chúng ta đã biết, đa số người Khmer Nam bộ nói chung đều sống bằng nông nghiệp, cuộc sống của bà con luôn gắn bó với ruộng đồng, do đó nước đối với họ là rất thiêng liêng. Bà con quan niệm vào lúc 0 giờ đêm rằm tháng 10, bóng của cây trụ trồng thẳng đứng trước sân không xê dịch một bên thì đó là thời điểm kết thúc chu kỳ của mặt trăng quay quanh trái đất, một “năm cũ nông nghiệp” đã đi qua và đây là dịp để bà con tạ ơn thần Trăng, vị thần lo việc điều tiết thời tiết giúp bà con trồng trọt được mùa. Vì vậy trong lễ hội chính của bà con là Lễ hội Ok-om-bok, còn gọi “Lễ cúng trăng” hay “Lễ đút cốm dẹp”, một hoạt động gắn liền với sông nước là đua ghe Ngo cũng được tổ chức. Ðến ngày nay, đua ghe Ngo vẫn được tổ chức khắp nơi ở ÐBSCL vào dịp Lễ Ok-om-bok và những lễ hội quan trọng khác.
Chiếc ghe lườn và xuồng lườn ngày nay chính là sự biến tấu của ghe Ngo, thấy còn được dùng trong nghề đánh bắt cá bông lau, cá hô ở sông Tiền, sông Vàm Nao.
Theo dòng thời gian, bên cạnh những cuộc đua trên sông nước đã trở thành một phần của sinh hoạt văn hóa, giải trí, cư dân miền Tây Nam Bộ vẫn luôn khắc sâu cảnh sông rạch với chiếc “xuồng hớt tôm đậu sát mé nga”, khói đốt đồng tháng ba chuẩn bị xuống giống lúa mùa vụ mới, những tàu gỗ lớn ngược xuôi trên sông Tiền và sông Hậu, những con đò tam bản hai chèo ngày đêm siêng năng đưa khách sang sông, những chiếc ghe rổi, ghe đục trảng lườn nhàn nhã trên sông... Tất cả làm nên hình ảnh, nét sinh hoạt đặc trưng của vùng đất chín rồng.