Trong nỗ lực nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị với chính quyền Taliban, Bộ Ngoại giao Nga hôm 3-7 cho biết nước này đã chấp nhận thư ủy nhiệm đại sứ mới của Afghanistan. Động thái này khiến Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận chính quyền Taliban.

Gul Hassan Hassan (trái), tân Đại sứ Afghanistan tại Nga, trao thư ủy nhiệm cho Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko hôm 3-7. Ảnh: CNN
Theo Bộ Ngoại giao Nga, Mát-xcơ-va nhìn thấy triển vọng tốt để phát triển quan hệ song phương và sẽ tiếp tục hỗ trợ Kabul trong các vấn đề an ninh, chống khủng bố và tội phạm ma túy, đồng thời nhìn thấy những cơ hội đáng kể về thương mại và kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi tin rằng động thái chính thức công nhận chính quyền Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ thúc đẩy sự phát triển hợp tác song phương hiệu quả giữa 2 nước chúng ta trong nhiều lĩnh vực” - Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Đáp lại, Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi trong một tuyên bố cho hay: “Chúng tôi đánh giá cao bước đi dũng cảm này của Nga và hành động này cũng sẽ là tấm gương cho các nước khác. Quá trình công nhận đã được bắt đầu. Nga đã đi trước tất cả các nước một bước”.
Đến nay, chưa có quốc gia nào khác công nhận chính quyền Taliban kể từ khi lực lượng này trở lại nắm quyền tại Afghanistan hồi tháng 8-2021, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và kết thúc 20 năm chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Uzbekistan và Pakistan đều đã chỉ định đại sứ tại Kabul trong một bước để tiến tới sự công nhận. Riêng Trung Quốc còn có kế hoạch kết nạp Afghanistan vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), trong khi Ấn Độ nối lại việc cấp thị thực cho công dân Afghanistan. Trong giai đoạn cầm quyền 1996-2001 trước đây, chỉ có 3 nước công nhận Taliban là Saudi Arabia, Pakistan và UAE.
Theo giới phân tích, việc Nga công nhận chính quyền Taliban có ý nghĩa lịch sử quan trọng và động thái này của Mát-xcơ-va là một cột mốc quan trọng đối với chính quyền Taliban trong nỗ lực giảm bớt sự cô lập quốc tế. Được biết, Liên Xô (cũ) đã tiến hành cuộc chiến kéo dài 9 năm ở Afghanistan. Năm 1989, Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan sau khi bị lực lượng thánh chiến (mujahideen) đánh bại. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2021, Nga là một trong số ít quốc gia duy trì sự hiện diện ngoại giao tại quốc gia Nam Á này.
Thời gian qua, Nga không ngừng xây dựng quan hệ với chính quyền Taliban. Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 7 năm ngoái còn tuyên bố Taliban là “đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố”, đặc biệt là chống lại Nhà nước Hồi giáo - Tỉnh Khorasan (ISIS-K), chân rết của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan và là lực lượng triển khai vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhà hát Crocus City Hall hồi tháng 3-2024, khiến ít nhất 139 người thiệt mạng. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất ở Nga kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền cách đây 1/4 thế kỷ.
Taliban cũng tìm cách để được Mỹ công nhận. Các nỗ lực của Taliban được tăng cường kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Theo đó, lực lượng này hồi tháng 3 trả tự do cho George Glezmann, công dân Mỹ bị cơ quan tình báo của Taliban bắt ở Afghanistan hồi tháng 12-2022. Trong khi đó, Mỹ hủy bỏ khoản tiền thưởng trị giá 10 triệu USD cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ quyền Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani của chính quyền Taliban. Taliban hồi tháng 4 còn đề xuất nhiều bước nhằm hướng tới sự công nhận của Mỹ, gồm việc thành lập một văn phòng giống như đại sứ quán tại Mỹ để xử lý các vấn đề của Afghanistan.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)