04/07/2025 - 18:19

Các nhà khoa học Úc đạt kết quả ban đầu trong điều trị ung thư

Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng liệu pháp này (CAR T-cell - quá trình tái lập trình tế bào T của chính bệnh nhân để tiêu diệt tế bào ung thư) cho các khối u rắn mà không gây ra phản ứng độc hại.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học Úc tại Trung tâm Ung thư Peter MacCallum đã đạt được kết quả ban đầu, nhưng đầy hứa hẹn, có thể thay đổi điều đó. Phó Giáo sư Paul Beavis, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm của ông đã sử dụng kỹ thuật di truyền để kích hoạt các protein miễn dịch chống ung thư, nhưng chỉ tại vị trí khối u. Cách tiếp cận này giúp điều trị hiệu quả các dạng ung thư thể rắn bằng liệu pháp CAR T-cell mà không gây ra độc tính thường thấy (từng là vấn đề lớn khiến các tế bào miễn dịch bị cơ thể đào thải).

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện được điều này nhờ công cụ chỉnh sửa gien CRISPR. Phó Giáo sư Paul Beavis cho biết: “Chúng tôi đã xác định được hai trình khởi động (promoter) quan trọng, hoạt động chủ yếu trong tế bào CAR T tại vị trí khối u. Bằng cách sử dụng CRISPR, chúng tôi có thể chèn các gien mã hóa cytokine mạnh như IL-12 và IL-2 dưới sự kiểm soát của các promoter này, tạo ra phản ứng miễn dịch cục bộ và mạnh mẽ chống lại ung thư”.

Theo Phó Giáo sư Beavis, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm kỹ thuật mới này trên nhiều mô hình ung thư như ung thư vú, đại tràng và buồng trứng và kết quả vô cùng khả quan với tỷ lệ chữa khỏi bệnh gần 100%. Dù cần thêm nhiều nghiên cứu, kinh phí và thời gian trước khi liệu pháp có thể thử nghiệm trên người, song kết quả ban đầu đã mang lại nhiều hy vọng cho giới khoa học.

Giáo sư Phil Darcy cũng thuộc nhóm nghiên cứu trên cho hay kỹ thuật trên cho phép phản ứng miễn dịch chỉ diễn ra trong vi môi trường khối u nên độc tính giảm đi đáng kể, từ đó có thể mang lại một liệu pháp an toàn hơn. Trong các mô hình thử nghiệm trên động vật, kỹ thuật này giúp kiểm soát khối u tốt hơn và kéo dài thời gian sống sót, ngay cả trong các mô hình đưa tế bào ung thư người vào cơ thể chuột.

VĂN LINH

Chia sẻ bài viết