04/07/2025 - 18:39

Tiếp tục đầu tư, khẳng định vị thế và tiềm năng của y dược cổ truyền 

(CTO) - Ngày 4-7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến, sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng về công tác phát triển y dược cổ truyền (YDCT), kết hợp YDCT với y học hiện đại.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Báo Chính phủ.

Dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lãnh đạo các bộ, ngành, các bệnh viện, các hội, trường đại học, doanh nghiệp trong lĩnh vực YDCT. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo các sở ngành, đơn vị y tế trên địa bàn tham dự.

* Phát triển nhưng chưa được đầu tư tương xứng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 5 năm triển khai Quyết định 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác YDCT đã đạt được một số thành tựu khích lệ. Hệ thống cơ sở YDCT cơ bản được đầu tư nâng cấp; mạng lưới YDCT tuyến y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển. Chất lượng dược liệu, vị thuốc được bảo đảm, đa dạng và đạt hiệu quả điều trị cao; dịch vụ khám, chữa bệnh lĩnh vực YDCT ngày càng phong phú...

Cả nước hiện có 66 bệnh viện YDCT công lập và 10 bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% so với 5 năm trước. Giai đoạn 2020-2025, đã có 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về YDCT được phê duyệt và triển khai. Đáng chú ý, lĩnh vực phát triển dược liệu đã có bước đột phá.

Việt Nam hiện ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc; 25 tỉnh xây dựng được quy hoạch vùng trồng cây thuốc; các đơn vị và cơ sở thu mua dược liệu trong nước tăng, cơ sở nuôi trồng dược liệu phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác YDCT còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các mục tiêu đề ra trong Chương trình của Quyết định 1893/QĐ-TTg chưa đạt; các nhiệm vụ giao cho Bộ Y tế đều chưa hoàn thành. Các bệnh viện YDCT mặc dù đã được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhưng chưa thực sự thu hút được người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh; khung đào tạo lĩnh vực YDCT chưa phù hợp với thực tiễn; đầu tư nguồn lực cho YDCT chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự phối hợp và tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể chưa đồng bộ, xem công tác phát triển YDCT là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế…

Hội nghị có gần 20 tham luận của các địa phương, đơn vị, báo cáo về kết quả 5 năm phát triển công tác YDCT, tập trung vào các chủ đề xây dựng và phát triển hệ thống YDCT tại địa phương, phát triển vùng trồng dược liệu, ứng dụng các kỹ thuật cao và dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng phương pháp không dùng thuốc, công tác đào tạo nhân lực YDCT,...

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nền đông y. Mạng lưới YDCT được xây dựng và phát triển từ tuyến thành phố đến cơ sở, bao gồm cả mạng lưới tư nhân. Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ giữ vai trò tham mưu chủ lực trong lĩnh vực YDCT; là đầu mối cho các tuyến trong hoạt động chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học về YDCT. Theo thống kê, khoảng 30% bệnh nhân tuyến cơ sở và 20% tuyến thành phố khám, chữa bệnh bằng YDCT và kết hợp YDCT với y dược hiện đại.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác phát triển lĩnh vực YDCT tại Cần Thơ cũng gặp nhiều khó khăn, như trình trạng thiếu nhân lực chuyên sâu. Ở tuyến xã, cán bộ YDCT đảm nhận nhiều nhiệm vụ. Đa số trạm y tế đều có phòng khám YDCT riêng biệt, tuy nhiên trang thiết bị còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, tạo sức bật cho phát triển ngành y, dược cổ truyền. Chính sách sử dụng đất nuôi trồng dược liệu, việc thu mua dược liệu sẵn có tại địa phương sử dụng trong bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Cơ số thuốc y học cổ truyền tại Trung tâm Y tế đa phần là thuốc thành phẩm, không có vị thuốc cổ truyền hay dược liệu cổ truyền. Nhiều trạm y tế chưa thanh toán BHYT được thuốc, dịch vụ cổ truyền do việc mua sắm đấu thầu còn hạn chế…

* Gỡ khó cho Y học cổ truyền

Tại TP Cần Thơ, hệ thống Y - Dược cổ truyền tuyến y tế cơ sở được chú trọng phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập y học cổ truyền - hiện đại, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, theo ngành Y tế TP Cần Thơ, cần có sự chỉ đạo đồng bộ từ chính sách đến triển khai thực tế, trong đó tập trung vào 4 trụ cột chính: chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất và chất lượng dược liệu. Chỉ khi giải quyết toàn diện những “nút thắt” hiện tại, YHCT tuyến cơ sở ở Cần Thơ mới thực sự phát huy vai trò trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Vì vậy giải pháp trong thời gian tới, TP Cần Thơ tập trung các nhiệm vụ, bao gồm: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, QĐ1893/QĐ-TTg ngày 25-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận 86-KL/TW ngày 10-7-2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong giai đoạn mới...; rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hóa chính sách về YDCT; đổi mới hệ thống quản lý, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của YDCT gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng YDCT, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; kết hợp giữa YDCT với y học hiện đại; nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh hiệu quả các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc YDCT trong công tác phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Các địa phương, đơn vị, căn cứ nhu cầu thực tế xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, phát triển cán bộ YDCT, bố trí, phân công nhân lực phù hợp. Song song đó, tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực tham gia phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam. Đồng thời, đầu tư mua sắm, bổ sung đủ trang thiết bị có chất lượng, phù hợp để thực hiện các kỹ thuật tại BV, trung tâm y tế khu vực từ nhiều nguồn kinh phí theo quy định.

Giảng viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ giảng dạy cho sinh viên ngành Y học cổ truyền. Ảnh: THU SƯƠNG

Để phát triển YDCT, Bộ Y tế đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này thời gian tới. Trước hết, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về công tác phát triển YDCT; liên thông việc triển khai và kiểm tra giám sát giữa cơ quan Đảng và chính quyền về công tác phát triển YDCT.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách toàn diện ở tất cả các mặt, đảm bảo tính đặc thù cho YDCT phát triển, không áp dụng chung với cơ chế chính sách y tế nói chung. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, đa dạng về hình thức, sâu rộng cả về đối tượng và nội dung của YDCT. Chú trọng công tác kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền YDCT Việt Nam.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của YDCT, một bộ phận quan trọng của nền y học Việt Nam. YDCT đã đi cùng lịch sử dân tộc với tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết), là 4 phương pháp khám bệnh cơ bản trong y học cổ truyền. Hệ thống pháp luật hiện hành bao giờ cũng có một mảng về y dược học cổ truyền, tuy mức độ ở từng thời kỳ có sự khác nhau.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu thời gian tới, ngành Y tế và các cấp, các ngành cần quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đó là: "Phát triển Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại. Cần nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong điều trị bệnh mạn tính và phục hồi chức năng; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị; đẩy mạnh nghiên cứu về các bài thuốc dân gian, nâng cao tính khoa học của y học cổ truyền; đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đông y, phát triển các phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược; hỗ trợ đào tạo bác sĩ y học cổ truyền, mở rộng mô hình kết hợp đông - tây y".

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết