05/07/2025 - 21:53

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đa dạng thị trường xuất khẩu 

Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với rủi ro về thuế quan và điểm nghẽn logistics ngày càng trầm trọng. Bên cạnh những giải pháp ứng phó trong ngắn hạn, cộng đồng DN đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp chiến lược nhằm đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng bền vững và kết hợp vận tải đa phương thức để đảm bảo dòng chảy thương mại không bị đứt gãy.


Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Cảng Tân Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

 

Khó khăn bủa vây

Theo Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh (HLA), trong 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 179,9 tỉ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng sản lượng container hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đạt 4,6 triệu TEU, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tổng sản lượng container hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường Hoa Kỳ trong 5 tháng đạt 1,86 triệu TEU, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 5 cũng là tháng có tốc độ tăng trưởng hằng tháng cao nhất, đạt 501.000 TEU, tăng 63,8% so với tháng trước do các DN nỗ lực xuất hàng sớm để tránh thuế đối ứng của Hoa Kỳ có hiệu lực vào ngày 10-7 tới.

Theo ông Nguyễn Hoài Chung, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Ban chính sách HLA, các căng thẳng địa chính trị gia tăng, logistics toàn cầu biến động, rủi ro thuế quan từ Hoa Kỳ và các thị trường khác luôn thường trực, áp lực chống gian lận xuất xứ, quy tắc xuất xứ phức tạp, gây khó khăn cho DN tận dụng các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA)…. Việc Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam đã gây cú sốc và thách thức lớn cho xuất khẩu và logistics của Việt Nam. Các tác động tức thời như đối tác ngừng đơn hàng, cộng đồng DN lo ngại về tương lai và tìm hướng đàm phán về hợp đồng. Nguy cơ ảnh hưởng của thuế đối ứng tác động lên nhiều ngành hàng, trong đó ngành dệt may, da giày đứng trước nguy cơ tăng chi phí xuất khẩu làm ảnh hưởng mất đơn hàng và thị phần; ngành gỗ và thủy sản giảm đơn hàng và lợi nhuận, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập người lao động; ngành điện tử chuyển dịch sản xuất cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI.

Nhiều ý kiến cũng khẳng định, điểm nghẽn hạ tầng và chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và lợi nhuận của DN… Theo ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, năng lực của cảng hiện nay không theo kịp năng lực phát triển của tàu. Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Nam lại xảy ra tình trạng tắc nghẽn hàng hóa tại cảng. Tuyến dịch vụ ở khu vực TP Hồ Chí Minh tăng, tuyến Cái Mép - Thị Vải tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2025, hệ thống cảng trên toàn cầu trong đó có Việt Nam phải gồng mình để xử lý khối lượng hàng hóa tăng đột biến trong bối cảnh năng lực cảng không phát triển.  

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, cả nước hiện có trên 6.000 DN chế biến gỗ, với 45% số DN có khả năng xuất khẩu trực tiếp. Ðối với ngành gỗ Việt Nam, logistics chiếm 20%-30% chi phí xuất khẩu và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của DN. Bên cạnh đó, DN phải đáp ứng chính sách xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các quốc gia lớn. Ðơn cử như Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá 46% đối với gỗ Việt Nam, yêu cầu chứng nhận nguồn gốc FSC. Ðối với thị trường EU, các quy định FLEGT và FSC là bắt buộc đối với nhà cung cấp gỗ, Nhật Bản ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm gỗ qua xử lý, yêu cầu chứng nhận phát triển bền vững và sử dụng gỗ hợp pháp… cũng ảnh hưởng rất nhiều đến DN.

Nâng cao năng lực ứng phó

Theo ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, DN phải trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi biến động nếu không sẽ bị động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN cần phải linh hoạt thích ứng, có kịch bản ứng phó, thay đổi tập quán giao nhận. Trong bối cảnh phí dịch vụ tăng, năng lực của cảng không tăng, cơ sở cảng không tăng sẽ xảy ra tình trạng quá tải.

Ông Trương Tấn Lộc cho biết, Tân Cảng Sài Gòn đang quan tâm phát triển các cảng cạn (ICD) để khắc phục tình trạng ùn ứ hàng hóa hoặc quá tải. DN nên nghiên cứu đưa hàng về các ICD và kết hợp nhiều phương thức vận tải đưa hàng bằng đường thủy, bằng sà lan, đường bộ về các ICD để khi xảy ra quá tải ở một phương thức vận tải này sẽ có phương án vận tải khác để ứng phó. Tân Cảng Sài Gòn đang phối hợp với các đối tác bên ngoài để mở rộng kho bãi, đầu tư các ICD mới, đầu tư trang thiết bị nâng cao năng lực xử lý hàng hóa tại cảng khu vực Cái Mép, Cát Lái, triển khai mở rộng đầu tư các kho hàng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh, hoạt động thương mại điện tử đang góp phần thúc đẩy DN xuất khẩu trực tiếp Amazon, Alibaba, mở rộng gian hàng quốc tế hỗ trợ SMEs. DN có thể tiếp cận người tiêu dùng cuối mà không qua trung gian. Ðể nắm bắt cơ hội, chuỗi cung ứng gỗ cần chuyển từ "gia công" sang "giá trị cao", cần tái cấu trúc ngành hàng từ xuất khẩu các sản phẩm sơ chế đến sản phẩm nội thất hoàn chỉnh, có thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chuỗi từ nguyên liệu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết vùng nguyên liệu - nhà máy - logistics. Cần có sự phối hợp giữa hiệp hội, chính quyền địa phương và DN lớn để tạo vùng nguyên liệu bền vững, đầu tư cụm công nghiệp gỗ tập trung, tích hợp cả logistics, chế biến và bảo quản.

Ông Nguyễn Hoài Chung, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Ban chính sách HLA, cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thể chế và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại như hoàn thiện pháp lý logistics; đơn giản hóa hải quan, kiểm tra chuyên ngành (hải quan điện tử thông minh); cắt giảm phí bất hợp lý; đảm bảo thực thi nhất quán. Ðồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon; hợp tác công - tư đào tạo nhân lực; hỗ trợ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế/rào cản phi thuế quan…

Theo ông Nguyễn Hoài Chung, DN xuất khẩu cần chủ động đa dạng hóa thị trường, tận dụng FTA để khai thác thị trường tiềm năng và tìm kiếm thị trường mới, phát triển thị trường nội địa; chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu chi phí sản xuất và logistics; tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa, phát triển chuỗi cung ứng nội địa, xanh hóa chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết