05/07/2025 - 17:11

“Phép thử” mới cho Brazil tại Thượng đỉnh BRICS 

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 17 được tổ chức tại Rio de Janeiro, Brazil (vào ngày 6-7/7/2025), nhưng việc duy trì lập trường không liên kết của nhóm đang đặt ra thách thức cho nước chủ nhà.


Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil. Ảnh: AP

Mở rộng quan hệ đối tác bên ngoài

Kể từ khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Brazil Lula da Silva đã tìm cách duy trì cân bằng chính sách đối ngoại của nước này với Mỹ và Trung Quốc. Trước đây, điều này dễ kiểm soát nhưng hiện nay đã phức tạp hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong những năm gần đây, Brazil đã hành động rất thận trọng. Vào năm 2024, quốc gia đông dân nhất Nam Mỹ này đã trở thành thành viên sáng lập thứ hai của BRICS (sau Ấn Ðộ) từ chối tham gia Sáng kiến ​​​​“Vành đai, Con đường” của Trung Quốc. Sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Lula đã có chuyến công du tới châu Á nhưng bỏ qua Trung Quốc. Nhưng sau đó, nhà lãnh đạo Brazil đến Bắc Kinh dự Hội nghị Bộ trưởng của Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe.

Hội nghị BRICS lần này sẽ tiếp tục thử thách khả năng duy trì cân bằng của Brazil. Kể từ lúc thành lập, BRICS đóng vai trò như nền tảng cho các thành viên sáng lập (Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Ðộ) tự khẳng định là những lãnh đạo hợp pháp và tiếng nói của Nam bán cầu. Nhưng việc khối này nhanh chóng kết nạp thêm 5 nước chỉ trong 2 năm qua đã khiến Brasilia lo ngại.

Brazil từ lâu phản đối sự mở rộng của BRICS nhằm tránh làm loãng ảnh hưởng của nước này và đẩy nhóm ngả về Trung Quốc và Nga hơn. Với việc BRICS ngày càng bị coi là chống phương Tây, Brasilia lo ngại việc tiếp tục xu hướng đó có thể đe dọa mối quan hệ quan trọng của nước này với Washington.

Trong BRICS, Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo và có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất. Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại chính của hầu hết các thành viên, với các khoản đầu tư đáng kể vào các nền kinh tế chủ chốt trong nhóm.

Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Brazil đang nỗ lực ngăn chặn thế thống trị của Bắc Kinh trong BRICS, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác bên ngoài để không phụ thuộc vào bất kỳ siêu cường nào. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 6 và 7-7 phản ánh mục tiêu này.

Chủ ý của Chủ tịch Tập Cận Bình

Chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay là “Tăng cường hợp tác Nam - Nam vì quản trị toàn cầu bền vững và bao trùm.

Với tư cách Chủ tịch luân phiên năm 2025 của BRICS, Brazil có thể đưa ra ý kiến ​​đóng góp quan trọng cho các mục thảo luận, trong đó an ninh lương thực, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng là những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Trọng tâm rộng hơn bao gồm hợp tác y tế toàn cầu, thương mại và tài chính, biến đổi khí hậu, quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), hòa bình và an ninh. Ðây là những lĩnh vực mà Brazil có thể lãnh đạo từ bên trong BRICS.

Ðược biết, Bắc Kinh đã thông báo cho Brasilia về sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay do vấn đề lịch trình. Trung Quốc sẽ cử Thủ tướng Lý Cường tham dự.

Giới phân tích nhận định việc Chủ tịch Tập Cận Bình không dự hội nghị cho thấy Bắc Kinh không mặn mà với một sự kiện ít có khả năng mang lại kết quả phù hợp với các ưu tiên của nước này. Ông Tập chưa bao giờ vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS kể từ khi nhậm chức và đã tham gia mọi kỳ họp kể từ năm 2013.

Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ không đến dự hội nghị, mà thay vào đó ông sẽ tham gia qua video. Nguyên nhân nhà lãnh đạo Nga vắng mặt được Ðiện Kremlin xác nhận là lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế mà Brazil là thành viên. Người đại diện trực tiếp của Nga tham dự hội nghị là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Mặc dù không có hiệp ước sáng lập, BRICS đã đạt nhiều thành tựu lớn trong những năm qua thông qua hợp tác, chẳng hạn như thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) và thương mại nội khối giữa các nước thành viên chạm ngưỡng 1.000 tỉ USD. Trung tâm Quan hệ Quốc tế Brazil (CEBRI) tuần rồi mô tả BRICS là “hiệp hội xuyên khu vực đầu tiên của các quốc gia không thuộc phương Tây”.

Theo các nguồn thạo tin, BRICS chuẩn bị công bố một quỹ bảo lãnh mới do NDB hỗ trợ để giảm chi phí tài chính và thúc đẩy đầu tư. Brazil coi quỹ mới là trọng tâm của chương trình nghị sự tài chính BRICS trong nhiệm kỳ giữ vai trò chủ tịch luân phiên. Sáng kiến này​​, giống như mô hình Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA) của Ngân hàng Thế giới, nhằm giải quyết những thay đổi về đầu tư toàn cầu trong bối cảnh bất ổn xung quanh chính sách kinh tế của Mỹ.

Tổng thống Trump cảnh báo rằng Mỹ sẽ áp mức thuế 100% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước BRICS nếu nhóm công bố một loại tiền tệ chung, thay thế đồng USD.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết