03/11/2024 - 17:48

Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ 

Phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Mới đây, Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có cuộc kiểm tra, công nhận PCGD, XMC năm 2023 đối với TP Cần Thơ. Dù vẫn còn một số khó khăn nhưng TP Cần Thơ đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này.

Nỗ lực chung

Theo Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập - XMC - PCGD (Ban Chỉ đạo) TP Cần Thơ, để thực hiện đạt mục tiêu công tác PCGD, XMC, Ban Chỉ đạo các cấp ở TP Cần Thơ được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả; hệ thống trường lớp tiếp tục được mở rộng, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, nâng cao tỷ lệ biết chữ và công tác PCGD, XMC trên địa bàn thành phố…

Huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục chăm lo học sinh khó khăn, khen thưởng học sinh giỏi góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCGD, XMC.

Đến cuối năm 2023, toàn thành phố có 347/446 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 77,8%; trong đó bậc tiểu học có tỷ lệ cao nhất, với 87,43%. Trong năm qua, kinh phí chi cho công tác PCGD, XMC trên 2,9 tỉ đồng. Các ngành, các cấp đã huy động được trên 15 tỉ đồng từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp... hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học mới.

Theo bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, công tác PCGD, XMC được các ngành, các cấp của thành phố quan tâm và làm tốt vai trò tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền để đề ra các giải pháp khả thi, nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu đối với công tác PCGD, XMC. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS đã tập trung thực hiện tốt “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, huy động học sinh ra lớp, duy trì tốt sĩ số học sinh, chống lưu ban, bỏ học. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng có nhiều tác động tích cực đến công tác PCGD; các lực lượng xã hội tham gia hiệu quả trong việc đóng góp xây dựng trường lớp; huy động trẻ ra học các lớp chính quy, vận động học sinh bỏ học vào các lớp phổ cập…

Ông Cao Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Cuối năm 2023, huyện Vĩnh Thạnh đạt chuẩn PCGD các cấp học, đạt chuẩn XMC đúng quy định. Để đạt kết quả này, Ban Chỉ đạo huyện kịp thời củng cố, kiện toàn thành viên trong ban chỉ đạo; triển khai đầy đủ các văn bản liên quan đến công tác này. Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện có thành lập đoàn kiểm tra công nhận PCGD, XMC, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp học... đáp ứng yêu cầu dạy và học cũng như công tác PCGD, XMC. 

Năm 2023, TP Cần Thơ đủ điều kiện đạt chuẩn PCGD, XMC. Cụ thể: 9/9 quận, huyện đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, trong đó có 5/9 quận, huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3; đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Cùng vượt khó

Tuy đạt được kết quả nhất định nhưng công tác PCGD, XMC của thành phố hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều lãnh đạo sở, ngành, quận huyện cho rằng: Việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp, trung cấp nghề còn hạn chế; không có vị trí việc làm đối với cán bộ làm công tác PCGD, XMC; một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai công tác PCGD, XMC; việc cập nhật thông tin đối tượng PCGD vào hệ thống thông tin quản lý chưa kịp thời…Vì thế, thành phố mong muốn các Bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thành phố thực hiện hiệu quả PCGD, XMC.

Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ và Sở GD&ĐT thành phố đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức ký kết trong thực hiện công tác này. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tăng cường tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cho học sinh; tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh… nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh. “Dù vậy, tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông chưa đảm bảo. Nguyên nhân là phụ huynh học sinh chưa nhận thức vai trò quan trọng của việc này. Số lượng học sinh sau khi thi tuyển sinh lớp 10 tiếp tục học THPT tại trung tâm giáo dục thường xuyên chiếm tỷ lệ cao. Việc miễn, giảm học phí của học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp còn bất cập...”, ông Tiêu Minh Dưỡng cho biết.

Tại cuộc kiểm tra, công nhận PCGD, XMC năm 2023 đối với TP Cần Thơ của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT vào cuối tháng 10-2024, các ý kiến đóng góp cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền trong chỉ đạo đánh giá công tác này; phát huy công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên… Bà Lê Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, cho biết bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp với ngành Giáo dục thành phố trong việc triển khai công tác PCGD, XMC.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, thành phố xác định đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển và sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. UBND thành phố tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; tập trung phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông. Đồng thời tiếp tục phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền; đầu tư, hoàn thiện mạng lưới trường lớp; có chính sách đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa giáo dục... qua đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động GD&ĐT, trong đó có công tác PCGD, XMC.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết