Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào ngày 5-11 tới, chiến thắng này đồng thời mở đường cho tỉ phú Elon Musk gia nhập chính trường.
Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và tỉ phú Elon Musk tại một buổi vận động. Ảnh: Reuters
Cơ hội kinh doanh và nguy cơ xung đột lợi ích
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã đề cử 5 nhân vật kỳ cựu trong giới kinh doanh nhưng lại ít hoặc chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực công cho các chức vụ bộ trưởng, bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Exxon Mobil Rex Tillerson, nhà từ thiện tỉ phú Betsy DeVos hay cựu CEO tập đoàn World Wrestling Entertainment Linda McMahon. Bản thân ông Trump cũng là doanh nhân tỉ phú trước khi đắc cử tổng thống Mỹ. Vì vậy, trên đường đua trở lại Nhà Trắng năm nay, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa tiếp tục thể hiện khả năng thu hút giới tinh hoa khu vực tư nhân vào nội các nếu đắc cử. Nổi bật là CEO hãng công nghệ SpaceX Elon Musk cho vị trí mới ở Nhà Trắng là bộ trưởng cắt giảm chi phí.
Nếu đảm nhận chức vụ trên, người đàn ông giàu nhất thế giới muốn cắt giảm ít nhất 2.000 tỉ USD từ ngân sách liên bang, tương đương 1/3 ngân sách liên bang năm ngoái. Nhiệm vụ này gần như không thể đạt được nếu không rút chi tiêu ở một số lĩnh vực mà hầu như chính trị gia Mỹ nào cũng không muốn động đến, bao gồm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi cựu chiến binh và quốc phòng. Bản thân ông Musk thừa nhận cắt giảm chi tiêu mạnh như vậy sẽ gây “cú sốc” cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng ông đồng ý với một bộ phận cư dân trên mạng, trong đó chỉ ra khả năng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và đem lại thịnh vượng lâu dài.
Cam kết chấm dứt lãng phí không phải mới, vấn đề là phần lớn những hứa hẹn chỉ có mục đích “trình diễn chính trị” bởi quy mô Chính phủ Mỹ về số lượng nhân viên và chi tiêu hầu như không thay đổi đáng kể trong nhiều thập kỷ. Nhưng với sự hiện diện của ông Musk, người đã thực hiện nhiều động thái giảm chi tiêu quyết liệt thời gian qua, yếu tố này có thể giúp chính sách kinh tế của ông Trump thu hút hơn. Ðiều khiến mọi người nghi ngờ là liệu tỉ phú 53 tuổi, vốn có tài năng biến các công ty khởi nghiệp thành các công ty công nghệ hàng đầu nhưng non kinh nghiệm trong chính phủ, có thể tạo dựng thành tích tương tự khi vào nội các hay không. Vấn đề khác được cân nhắc là rủi ro xung đột lợi ích. Lấy ví dụ SpaceX, tập đoàn này hiện có các thỏa thuận trị giá lên tới 15 tỉ USD với nhiều cơ quan chính phủ, bao gồm phóng tên lửa cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), xây dựng mạng lưới vệ tinh cho Lầu Năm Góc và đưa các phi hành gia lên Trạm vũ trụ quốc tế.
Kiểm soát và phá vỡ truyền thống chính trị
Việc giới siêu giàu đổ tiền tài trợ cho các chính trị gia hoặc gây ảnh hưởng đến chính phủ thông qua lợi ích kinh doanh không phải hiếm. Theo nghiên cứu dựa trên danh sách tỉ phú Global 2000 của tạp chí Forbes, khoảng 11% tỉ phú thế giới từng theo đuổi hoặc giữ chức vụ chính thức trong lĩnh vực công. Trong đó có thể kể đến cố Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, cựu Thủ tướng Séc Andrej Babis, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra...
Tại Mỹ, tỷ lệ các tỉ phú gia nhập chính trường thấp hơn mức trung bình, một phần do họ có nhiều con đường gây ảnh hưởng khác như thông qua chiến dịch tài trợ và nhóm vận động. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, khoảng 50 nhà tài trợ lớn nhất đã ủng hộ 2,5 tỉ USD vì mục đích chính trị hay tác động sự kiện này theo hướng mà họ muốn. Trường hợp của người giàu nhất thế giới, ông Musk được cho vẫn sẽ tiếp tục tạo ra ảnh hưởng rất lớn bất kể kết quả bầu cử ra sao, dù từ bên ngoài hay bên trong Nhà Trắng. Ðiều đó cũng nói lên thực tế một số công ty công nghệ tư nhân ngày càng nắm giữ quyền lực không bị kiểm soát đối với các quyết định vốn dành riêng cho chính phủ.
Trước đó, ông Musk thường xuyên sử dụng sức ảnh hưởng của mình thông qua các công ty để tham gia tranh luận chính trị ở nhiều quốc gia. Trong cuộc đua hiện nay vào Nhà Trắng, ông Musk đã đổ vào chiến dịch vận động của ứng cử viên tổng thống Trump ít nhất 118 triệu USD. Những nỗ lực này bao gồm khoản tiền thưởng 1 triệu USD mỗi ngày theo hình thức xổ số cho những cử tri đã đăng ký tại các tiểu bang chiến trường. Tuy bị cáo buộc thách thức giới hạn của luật bầu cử, nhà hoạt động kỳ cựu của đảng Dân chủ cho rằng “chiêu trò” thưởng tiền như vậy có thể giúp ông Trump thắng ở Pennsylvania, bang chiến trường gay cấn nhất trong cuộc bầu cử năm nay.
MAI QUYÊN (Theo AL Jazeera, DW)