13/10/2024 - 08:37

Trung Quốc tìm cách thích ứng với kỷ nguyên “kinh tế bạc” 

Theo một báo cáo do Bộ Dân sự và Ủy ban quốc gia về vấn đề lão hóa dân số của Trung Quốc công bố ngày 11-10, số người từ 60 tuổi trở lên tại nước này đã đạt gần 297 triệu vào năm 2023, chiếm 21,1% tổng dân số. Trong đó, 216,76 triệu người từ 65 tuổi trở lên, tương đương 15,4% dân số. Ðiều này cho thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong cơ cấu dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Người già ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Báo cáo nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang nỗ lực ứng phó với những thách thức từ xã hội đang già hóa. Ðến cuối năm 2023, số người tham gia bảo hiểm hưu trí cơ bản trên toàn quốc đã đạt 1,066 tỉ người, tăng thêm 13,36 triệu so với năm trước đó.

Một trong những điểm nhấn quan trọng trong báo cáo là sự mở rộng của các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Ðến cuối năm 2023, đã có 3.476 khu vực sống tiện ích được thiết lập tại 150 khu vực thí điểm, phục vụ khoảng 64,55 triệu cư dân lớn tuổi. Hệ thống chăm sóc sức khỏe và lão khoa cũng được cải thiện với 7.881 cơ sở tích hợp, tăng 12,8% so với năm trước.

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đang đối mặt với thay đổi nhân khẩu học khi dân số già đi trong bối cảnh phát triển kinh tế. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển “kinh tế bạc” (thuật ngữ mô tả các sản phẩm, dịch vụ và thị trường liên quan đến nhóm dân số già), cải thiện dịch vụ cho người cao tuổi và khuyến khích tỷ lệ sinh.

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn với 20 nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển tiêu dùng dịch vụ chất lượng cao, bao gồm các biện pháp cụ thể để phát triển kinh tế bạc và tăng cường tiêu dùng trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em.

THANH PHƯƠNG (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết