03/11/2024 - 14:22

Hàn Quốc để ngỏ khả năng hợp tác với BRICS 

Năm 2024, các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tiếp tục củng cố ảnh hưởng trên trường quốc tế khi chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương.

Vai trò của BRICS đối với Nam Bán cầu

Theo dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS sẽ đóng góp hơn 50% vào tăng trưởng GDP toàn cầu trong những năm tới. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ nói riêng vẫn là động lực kinh tế chính của nhóm, trong khi Nga sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ, Brazil có nguồn tài nguyên nông nghiệp và thiên nhiên phong phú, còn Nam Phi giúp kết nối BRICS với châu Phi. Sự đa dạng về mặt chiến lược này cho phép BRICS tạo ra ảnh hưởng đáng kể trong việc định hình nghị trình kinh tế và chính trị toàn cầu.

Đại diện các thành viên BRICS tại thượng đỉnh lần thứ 16 ở Nga mới đây. Ảnh: X Screengrab

BRICS hiện tự định vị là đối trọng đối với các tổ chức tài chính truyền thống do phương Tây lãnh đạo như IMF hay Ngân hàng Thế giới nhằm khôi phục sự công bằng và công lý trong trật tự kinh tế toàn cầu mới nổi. Trọng tâm của nỗ lực này là Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với số vốn ban đầu 100 tỉ USD và được lập ra để tài trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dự án bền vững tại các quốc gia thuộc BRICS nhưng hiện được mở rộng để hỗ trợ các nước ngoài BRICS cũng như các nền kinh tế mới nổi khác.

Chưa kể, BRICS còn tự định vị là đại diện của Nam Bán cầu, ủng hộ các nguyên tắc không can thiệp và phát triển cùng có lợi. Và Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa qua tại Nga đã giúp củng cố lập trường này khi chào đón Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), qua đó nhấn mạnh tham vọng của BRICS trong việc hình thành một nhóm bao trùm, có ảnh hưởng toàn cầu lớn hơn. Tham vọng này được phản ánh trong các nỗ lực tái định hình cấu trúc tài chính quốc tế, thúc đẩy các mô hình phát triển mới và thách thức sự thống trị của các thể chế do phương Tây lãnh đạo.

Vị thế khả dĩ của  Hàn Quốc

Về phần mình, tuy không phải là thành viên của BRICS nhưng Hàn Quốc vẫn luôn muốn góp phần vào việc hiện thực hóa tham vọng trên của nhóm, đặc biệt là trong việc đa dạng các quan hệ đối tác kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào trật tự quốc tế lấy phương Tây làm trung tâm. Sự trỗi dậy của Seoul như là thế lực kinh tế và công nghệ lớn đã giúp định vị quốc gia Đông Á này là tác nhân có ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu.

Là thành viên quan trọng của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và là một bên tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, Hàn Quốc luôn ủng hộ việc các nền kinh tế mới nổi tham gia vào các thể chế quản trị toàn cầu. Hơn nữa, các chính sách chiến lược của xứ sở kim chi, chẳng hạn như Chính sách phương Nam mới, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các nền kinh tế mới nổi ở Nam Á và Đông Nam Á - những nơi mà các quốc gia BRICS, đặc biệt là Ấn Độ, có ảnh hưởng đáng kể. Mặt khác, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hàn Quốc phù hợp với lợi ích của BRICS, đặc biệt là trong việc thúc đẩy kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng cho sự tham gia sâu hơn vào các nền tảng song phương và đa phương của BRICS.

Đối với Hàn Quốc, hợp tác chặt chẽ hơn với BRICS mang lại cho nước này nhiều lợi ích. Bằng cách tích cực tham gia vào các sáng kiến do BRICS khởi xướng như NDB, Seoul một mặt có thể có được chỗ đứng trong các khuôn khổ tài chính mới nổi, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống tài chính truyền thống của phương Tây và mở rộng ảnh hưởng trong quản trị kinh tế toàn cầu, mặt khác được định vị là đối tác trung lập, kết nối các liên minh truyền thống của phương Tây với các cường quốc mới nổi trong BRICS, tăng cường đòn bẩy ngoại giao và tính linh hoạt về mặt chiến lược của nước này. Ngoài ra, việc hợp tác với BRICS cũng mang đến cho Hàn Quốc cơ hội tiếp cận các thị trường mới nổi. Theo giới phân tích, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng và các hoạt động ngoại giao thông qua quan hệ đối tác với các quốc gia BRICS sẽ rất cần thiết để Hàn Quốc duy trì khả năng cạnh tranh và đảm bảo lợi ích lâu dài, nắm bắt các cơ hội mới và củng cố vị thế trong một thế giới ngày càng đa cực.

Song, là thành viên của trật tự an ninh do Mỹ lãnh đạo ở Đông Bắc Á và phụ thuộc rất nhiều vào Washington về an ninh và kinh tế, Hàn Quốc khó có thể trở thành thành viên của BRICS trong tương lai gần. Dẫu vậy, với vị thế chiến lược là trung gian giữa các liên minh phương Tây và các quốc gia BRICS, tiếng nói của Hàn Quốc vẫn có ảnh hưởng trong bối cảnh các cấu trúc quyền lực đang đổi.

TRÍ VĂN (Theo Asia Times)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Hàn QuốcBRICS