13/07/2025 - 15:11

Tiêu diệt tên Việt gian Sáu Khẩn - Chiến công của lực lượng An ninh Cần Thơ 

Chiến công tiêu diệt tên Việt gian Lê Văn Sáu, tức Sáu Khẩn là một sự kiện quan trọng trong lịch sử An ninh Cần Thơ, đặc biệt là trong giai đoạn trước ngày 30-4-1975. Sáu Khẩn là một kẻ phản bội, gây ra nhiều tội ác đối với phong trào cách mạng tại Cần Thơ. Lực lượng An ninh Cần Thơ đã lên kế hoạch và thực hiện thành công việc loại bỏ Sáu Khẩn, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

Hội nghị Ban An ninh tỉnh Cần Thơ năm 1972

Chuyện bắt đầu từ một đêm đầu năm 1968, trước khi diễn ra cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân. Khi lực lượng cách mạng đang âm thầm chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, thì tại nội ô Cần Thơ, một biến cố xảy ra như sét đánh giữa trời quang: 13 cán bộ, đảng viên nòng cốt bị địch bắt trong đêm. Người chỉ điểm, không ai khác, lại chính là Trưởng Ban An ninh thị xã, một cán bộ từng được tin tưởng giao giữ mạch sống của phong trào cách mạng.

Sáu Khẩn vốn gốc Ô Môn, khi bị nghi ngờ, được triệu về căn cứ. Nhưng y đã đi trước một bước. Đồng chí Bảy Thiện, cán bộ Khu xuống làm việc với y, đã bị y nổ súng sát hại, rồi thừa lúc hỗn loạn, Sáu Khẩn trộm vỏ lãi chạy về Cà Mau xin chiêu hồi.

Y từng là một cán bộ được tổ chức tin tưởng giao trọng trách giữ mạch sống an ninh nội thành - một vị trí không dành cho người thiếu bản lĩnh. Được đào tạo bài bản, am hiểu sâu sắc mạng lưới cơ sở và phương thức hoạt động đơn tuyến, Sáu Khẩn từng là cánh tay nối dài của Đảng trong lòng địch. Nhưng thời gian, hoàn cảnh, sự khốc liệt của chiến tranh, cùng những đợt vây ráp ác liệt sau Tết Mậu Thân 1968 đã khiến tư tưởng hắn dần dao động. Áp lực, cô lập, nỗi sợ hãi và sự buông thả trong sinh hoạt dần ăn mòn ý chí. Khi phải đối mặt với nguy cơ bị nghi ngờ, bị triệu về căn cứ để điều tra, y đã lựa chọn con đường phản bội - con đường của kẻ đặt quyền lợi bản thân lên trên lý tưởng, phản bội tổ chức đã từng che chở, tin tưởng và đào tạo mình.

Đồng chí Trần Nam Phú, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ triển khai kế hoạch chống bình định của Mỹ - Ngụy tại căn cứ Tỉnh ủy xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp

Ty Cảnh sát Quốc gia tỉnh Phong Dinh (nay là thành phố Cần Thơ) dùng trực thăng đón y về như một báu vật tình báo. Ngay sau đó, cả thành phố Cần Thơ rung chuyển trong những đợt bố ráp. Cơ sở nội thành tan hoang, nhiều chiến sĩ bị bắt. Hàng ngày, từng đoàn người, từng dòng xe bị chặn lại ngay tại cửa ngõ ra vào thành phố, một người đàn ông nhỏ người, mắt sắc lạnh, kiểm tra từng phương tiện, soi mặt từng hành khách, đó chính là Sáu Khẩn trong vai Trưởng Ty Chiêu Hồi, là kẻ máu lạnh săn lùng từng đồng chí, đồng đội - những cán bộ cơ sở của ta.

Bến tàu, bến xe, chợ, khu lao động nghèo, nơi nào cũng có hơi thở của hắn. Một mình hắn đã khiến 4 thành ủy viên, 12 cơ sở nội tuyến của An ninh và binh vận bị sa vào tay giặc; nhiều hầm vũ khí bị lộ, cán bộ phải co cụm, rút về căn cứ, nội thành Cần Thơ thành vùng trắng.

Các đồng chí Ban An ninh chụp ảnh lưu niệm trong Hội nghị lãnh đạo công tác chống bình định tại căn cứ Tỉnh ủy xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp

Nhưng cách mạng không lùi bước. Trong một hội nghị Tỉnh ủy mở rộng giữa năm 1973, với sự tham dự của đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy Tây Nam Bộ đã xác định: “Tội ác của tên Sáu Khẩn trời không dung, đất không tha. Là mối thù khắc cốt ghi tâm của Đảng bộ thành phố tỉnh Cần Thơ và khu Tây Nam Bộ, diệt được nó mới giải quyết được cơ sở, phong trào”. Đó là chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng cho ngành An ninh.

Ban An ninh thành phố khẩn trương xây dựng lực lượng tại chỗ. Lực lượng vũ trang nội ô được tái thiết, trong đó, có hai nữ trinh sát trẻ tuổi: Nguyễn Thị Sương (bí số A20) và Lương Thị Năm (bí số A12). Họ không phải những người cầm súng chuyên nghiệp. Một người từng làm hậu cần, một người là giao liên - nhưng cả hai mang theo một lời thề sống còn dưới Đảng kỳ: phải tiêu diệt bằng được kẻ phản bội, bảo vệ tổ chức. Cùng với họ là một cơ sở nội thành có khả năng ứng biến tốt, linh hoạt trong tiếp cận mục tiêu - Thái Hồng Tâm (bí số Đ26) - được giao nhiệm vụ tiếp cận tên Khẩn.

Tâm dựng lên câu chuyện về cô em vợ xinh đẹp ở Phụng Hiệp. Sáu Khẩn, nay sống giữa vàng bạc, bổng lộc, gái đẹp... không cưỡng nổi lời mời. Hắn gật đầu: “Để tôi sắp xếp, mình đi chơi một chuyến”.

Kế hoạch định ngày: 14 tháng 10 năm 1974. Giờ G, địa điểm được chọn là đoạn cua vắng vẻ cách Cái Răng khoảng 2,5km. Một nơi có ruộng lúa ven đường, cỏ cao che mắt, không bóng cảnh sát, không người dân qua lại.

14 giờ 55 phút, chiếc Honda 67 lăn bánh. Thái Hồng Tâm cầm lái, Sáu Khẩn ngồi sau, áo sơ mi bỏ ngoài, tóc chải bóng mượt. Xe dừng. Đ26 giả vờ đi vệ sinh như đúng kế hoạch. Từ hai bên ruộng, hai người phụ nữ đội nón lá bước ra. Một người rút súng từ tà áo bà ba. Một tiếng “đoàng” xé toạc không gian. Rồi thêm ba tiếng nữa. Sáu Khẩn trúng đạn, loạng choạng nhưng chưa gục. Hắn vùng chạy. Bỏ dép, phóng xuống ruộng. Nhưng hai nữ trinh sát không bỏ cuộc, chạy xuyên ruộng lúa, rượt đuổi trong vòng 7 phút, và viên đạn cuối cùng găm thẳng vào đầu tên phản bội, y ngã gục ngay trên quốc lộ, kết thúc chuỗi ngày đẫm máu đã gây ra.

Đội I, II, III, IV trinh sát vũ trang thuộc Ban An ninh tỉnh Cần Thơ trước giờ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975

Phía sau chiến thắng ấy là biết bao gian khổ, mất mát thầm lặng của những người đã dấn thân vì lý tưởng. Đồng chí Sương bị bắt, bị tra tấn tàn nhẫn trong 19 ngày tại Khám Lớn Cần Thơ. Chị khai vỏn vẹn một câu: “Tôi tham gia cách mạng chỉ mong bắn chết nó để trả thù cho cha mẹ, thân nhân và anh chị em tôi bị nó sát hại, bắt bớ tù đày, ngoài ra tôi không biết gì hết”. Đồng chí Tâm cũng bị bắt sau đó. Cả hai bị địch đưa ra tòa án quân sự vùng IV kết án nặng nề. Nhưng chính sự hy sinh của các đồng chí là minh chứng hùng hồn cho bản lĩnh người chiến sĩ an ninh, sẵn sàng lấy thân mình để bảo vệ thành quả cách mạng.

Dù là một nhiệm vụ bí mật, không được công bố rầm rộ, nhưng việc tiêu diệt tên Sáu Khẩn đã gây chấn động nội bộ địch. Hàng loạt tay sai khác hoang mang, bỏ nhiệm sở, xin chuyển vùng, tìm cách trốn tránh. Nhiều cơ sở nội thành được khôi phục sau chiến công này. Đó là một chiến dịch tình báo, ám sát hoàn hảo, kết tinh trí tuệ, bản lĩnh và lòng quả cảm không khuất phục trước hiểm nguy của lực lượng An ninh Cần Thơ, góp phần bảo vệ tổ chức, chuẩn bị cho chiến dịch Mùa Xuân 1975 toàn thắng.

Chiến công tiêu diệt Sáu Khẩn là một dấu son đặc biệt của lực lượng an ninh Cần Thơ trong những năm tháng kháng chiến đầy cam go giữa lòng địch. Đó không chỉ là việc trừng trị một kẻ phản bội, mà còn là khẳng định quyết tâm bảo vệ sự trong sạch của tổ chức, giữ vững thế trận an ninh nội thành, bảo toàn lực lượng cho ngày tổng tiến công. Chiến công ấy, cùng với sự hy sinh thầm lặng của những người trực tiếp tham gia, đã góp phần hun đúc nên bản lĩnh người chiến sĩ an ninh Cần Thơ - kiên trung, tận tụy và tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng.

Bài và ảnh: Lâm Anh

Chia sẻ bài viết