Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố Mỹ sẽ gửi hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của Nga nhưng châu Âu sẽ trả tiền cho số vũ khí này.
Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa không nói rõ bao nhiêu tên lửa Patriot sẽ được chuyển đến Ukraine nhưng lưu ý rằng Mỹ sẽ không chi trả cho lô viện trợ đó. “Tôi chưa đồng ý về số lượng nhưng họ sẽ nhận được một số vì họ thực sự cần được bảo vệ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chi trả. Chúng tôi không trả gì cả” - ông Trump nói với các phóng viên tại Căn cứ Liên hợp Andrews hôm 13-7, qua đó bày tỏ sự không hài lòng với Nga về các vụ không kích nhằm vào Ukraine trong thời gian qua.
Trước đó, ông Trump cũng cho biết đang bán vũ khí cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) ở châu Âu để họ có thể cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh Kiev đang phải chật vật chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Nga. “Chúng tôi đang gửi vũ khí cho NATO và họ sẽ phải chi trả 100% cho số vũ khí đó. Sau đó, NATO có thể cung cấp số vũ khí đó cho Ukraine” - ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng NBC News.

Một hệ thống tên lửa Patriot tại Đức. Ảnh: AFP
Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Malaysia hôm 11-7, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio giải thích: “Việc vận chuyển thứ gì đó từ Ðức sang Ukraine nhanh hơn nhiều so với việc đặt hàng từ một nhà máy ở Mỹ và vận chuyển đến đó. Hiện Mỹ đang khuyến khích các đồng minh NATO cung cấp những vũ khí, hệ thống phòng thủ mà Ukraine đang tìm kiếm, bởi họ đã có chúng trong kho. Sau đó, chúng tôi có thể ký kết các thỏa thuận tài chính với họ để họ có thể mua các hệ thống thay thế”.
Các thông tin trên trùng hợp với chuyến thăm Mỹ của Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, người sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Trump ngày 15-7 để luận bàn xung quanh kế hoạch mua vũ khí của Mỹ và những vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi đó, Ðặc phái viên Mỹ Keith Kellogg đã đến thủ đô Kiev ngày 14-7 để nắm thông tin đầy đủ về nhu cầu hiện nay của Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10-7 cho biết, Kiev đã yêu cầu nước ngoài cung cấp thêm 10 hệ thống Patriot và tên lửa. Theo ông Zelensky, Ðức sẵn sàng cung cấp 2 hệ thống Patriot, trong khi Na Uy đồng ý cung cấp một hệ thống. Ông Zelensky cho hay Ukraine cũng cần thêm UAV đánh chặn để bắn hạ UAV Shahed của Nga, quốc gia có kế hoạch sản xuất tới 1.000 UAV mỗi ngày. Chỉ 1 ngày sau, ông Zelensky xác nhận chính quyền Mỹ đã nối lại việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Quan điểm về cung cấp vũ khí cho Ukraine của chính quyền ông Trump thay đổi “chóng mặt”. Ðầu tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm dừng việc chuyển giao một số tên lửa và đạn dược phòng không cho Ukraine, viện dẫn lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ quân sự của Mỹ. Nhà Trắng xác nhận quyết định này và cho biết đó là kết quả của một cuộc rà soát đối với các cam kết quân sự của Mỹ trên toàn cầu. Vài ngày sau, ông Trump đã đảo ngược quyết định, khi Lầu Năm Góc tuyên bố rằng họ sẽ gửi “vũ khí phòng thủ bổ sung cho Ukraine để đảm bảo người Ukraine có thể tự vệ trong khi chúng ta tìm kiếm một nền hòa bình bền vững và chấm dứt đổ máu”.
Lô vũ khí mà chính quyền Trump tạm dừng chuyển giao cho Kiev được cho bao gồm 30 tên lửa phòng không Patriot, 8.500 quả đạn pháo 155mm, hơn 250 quả đạn cho HIMARS và 142 tên lửa không đối đất Hellfire.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)