Tỉ phú công nghệ Elon Musk đã chính thức tuyên bố thành lập đảng Nước Mỹ, tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong giới quan sát chính trị, qua đó không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ từng thân thiết giữa ông và Tổng thống Donald Trump mà còn mở ra một cuộc chơi chính trị đầy rủi ro.

Tổng thống Trump (phải) và ông Musk thời còn “mặn nồng”. Ảnh: AP
“Bạn muốn có một đảng chính trị mới và bạn sẽ có được nó. Hôm nay, đảng Nước Mỹ đã được thành lập để trả lại tự do cho các bạn” - ông Musk thông báo trên mạng xã hội X hôm 5-7. Ông này tuyên bố muốn nhắm đến đợt bầu cử giữa kỳ năm 2026, với mục tiêu có khoảng 2-3 ghế tại Thượng viện và 8-10 ghế tại Hạ viện là thành viên đảng Nước Mỹ, qua đó nắm lá phiếu quyết định đối với các dự luật quan trọng.
Mục tiêu và rào cản
Động thái trên được ông Musk đưa ra sau khi Tổng thống Trump ký siêu đạo luật “Lớn và Đẹp” trị giá hơn 4.500 tỉ USD - đạo luật chi tiêu lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông. Theo AFP, ông Musk đã chỉ trích mạnh mẽ đạo luật này, gọi nó là “điên rồ” và “tàn phá tài khóa”, bởi nó sẽ làm tăng thêm hàng ngàn tỉ USD vào thâm hụt liên bang, đồng thời cho biết ông muốn xây dựng một đảng bảo thủ về tài chính, kiểm soát chi tiêu. Tỉ phú Musk cho biết đảng mới của ông sẽ tìm cách hạ bệ các nghị sĩ Cộng hòa đã ủng hộ đạo luật “Lớn và Đẹp” trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới.
Theo đài CNN, Tổng thống Trump xem tuyên bố thành lập đảng Nước Mỹ của ông Musk là “vô lý” và “gây ra sự nhầm lẫn”. “Thật nực cười khi ông ta thành lập một đảng thứ ba. Chúng ta đã rất thành công với đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ đã lạc lối nhưng hệ thống này luôn là hệ thống 2 đảng. Tôi nghĩ rằng việc thành lập đảng thứ ba chỉ làm tăng thêm sự hỗn loạn, bởi các đảng thứ ba chưa bao giờ hiệu quả. Ông ấy có thể vui vẻ với điều đó nhưng tôi nghĩ điều đó thật nực cười” - ông Trump bình luận.
Trong một bài đăng sau đó trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump chia sẻ: “Tôi buồn khi thấy ông Musk hoàn toàn đi chệch đường ray, về cơ bản đã trở thành một “thảm họa tàu hỏa” trong suốt 5 tuần qua. Ông ta thậm chí còn muốn lập một đảng chính trị thứ ba, bất chấp thực tế rằng các đảng thứ ba chưa bao giờ thành công ở Mỹ. Hệ thống này dường như không được thiết kế để đảng thứ ba tồn tại. Điều duy nhất mà các đảng thứ ba thường mang lại là sự gián đoạn và hỗn loạn toàn diện, và chúng ta đã có quá đủ điều đó từ phe Dân chủ cực tả, những người đã mất niềm tin và cả lý trí”.
Giới chuyên gia về tài chính bầu cử và khoa học chính trị cho rằng việc thành lập một đảng mới sẽ rất khó khăn về mặt tài chính và pháp lý, cũng như trong việc thuyết phục cử tri và con đường biến đảng Nước Mỹ thành một lực lượng chính trị sẽ là một lộ trình đầy gian nan với ông Musk. Theo CBS News, để được công nhận, một đảng chính trị phải vượt qua hàng loạt rào cản pháp lý khác nhau ở 50 bang.
Thông thường, mỗi tiểu bang có các quy tắc pháp lý khác nhau để công nhận đảng chính trị nào đó có thể xuất hiện trên lá phiếu và những rào cản đó thường “cực kỳ khó vượt qua”. Đơn cử, tại California, bang đông dân nhất nước Mỹ, một đảng chính trị mới phải đăng ký ít nhất 75.000 đảng viên, tương đương 0,33% cử tri của tiểu bang, hoặc thu thập 1,1 triệu chữ ký. Việc duy trì tư cách hợp pháp cũng yêu cầu giành được ít nhất 2% số phiếu trong các cuộc bầu cử toàn bang. Và để được công nhận ở cấp quốc gia, mỗi đảng chính trị cấp tiểu bang sẽ cần phải xin ý kiến cố vấn từ Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC). Những nỗ lực này gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối dữ dội từ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. “Chỉ có người giàu nhất thế giới mới có thể nghiêm túc theo đuổi kế hoạch này. Ngay cả như vậy, đó cũng là dự án nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD” - chuyên gia luật bầu cử Brett Kappel nhận xét. Theo ông Kappel, luật ở tất cả các tiểu bang đều thiên vị 2 đảng chính trị lớn và khiến cho sự xuất hiện của một đảng chính trị thứ ba trở nên khó khăn hơn nhiều.
Cần nhiều thời gian
Mức chi phí cao để có thể thành lập một đảng chính trị có thể không phải là trở ngại lớn đối với ông Musk, người có giá trị tài sản ròng hơn 350 tỉ USD theo định giá của Tạp chí danh tiếng Forbes và tờ Bloomberg. Được biết, người sáng lập công ty xe điện Tesla và hãng hàng không vũ trụ SpaceX này từng chi 277 triệu USD để hỗ trợ ông Trump và các ứng viên Cộng hòa khác trong kỳ bầu cử năm 2024.
Tuy nhiên, quá trình thành lập một đảng chính trị cấp quốc gia cũng sẽ tốn nhiều thời gian. Ông Kappel cho rằng tỉ phú Musk có thể hiện thực hóa tham vọng của mình nhưng việc xây dựng một đảng cấp quốc gia hoàn toàn mới có thể mất nhiều năm, do đó không thể tham gia cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 như ông từng công khai tuyên bố trên mạng xã hội X.
❝ Từ nhiều năm trước đây, không đảng phái thứ ba nào có thể thành công trên chính trường Mỹ. Ðiển hình, được thành lập vào năm 1971, đảng Tự do là đảng lớn thứ ba ở Mỹ. Vận động cho thị trường tự do, chính phủ nhỏ và tự do cá nhân, đảng Tự do có thành tích tốt nhất trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 khi có ứng viên Gary Johnson giành được 3,27% số phiếu bầu trên toàn quốc. Hay đảng Xanh là một đảng lâu năm khác tại Mỹ đã có đại diện tranh cử trong các cuộc đua tiểu bang và liên bang, nhưng chưa bao giờ có ghế trong chính phủ. |
Song, thách thức lớn nhất vẫn là thuyết phục cử tri. Người Mỹ vốn đã quen thuộc với sự lựa chọn giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa nên thường sẽ e dè trước các ứng viên độc lập thiếu nền tảng tổ chức truyền thống. Chính lập trường khó phân loại của ông Musk khiến việc xây dựng liên minh cử tri nhất quán trở nên khó khăn. “Trở ngại lớn nhất là thuyết phục người dân bỏ phiếu cho ứng viên đảng thứ ba, vì họ thường nghĩ bỏ phiếu cho người này là phí phạm, người này không có cơ hội thắng cử” - theo giáo sư khoa học chính trị Alan Abramowitz. Và tất nhiên, ông Musk cũng không thể làm tổng thống Mỹ theo tiêu chí trong hiến pháp là phải sinh ra tại nước này.
Trong bối cảnh đó, giới phân tích cho rằng nếu việc lập đảng mới quá khó, ông Musk có thể gây ảnh hưởng chính trị thông qua việc hỗ trợ các ứng viên độc lập. Dù vậy, lịch sử cho thấy các ứng viên độc lập không giành được sức hút trong các bầu cử tổng thống. Năm 1992 và 1996, tỉ phú Ross Perot tham gia tranh cử tổng thống với tư cách là một ứng viên độc lập. Trong lần tranh cử đầu tiên, ông Perot giành được gần 20% số phiếu phổ thông nhưng không vẫn không giành được bất kỳ phiếu đại cử tri nào.
Ông Perot vẫn được xem là ứng viên độc lập thành công nhất trong lịch sự hiện đại của nước Mỹ. Lần cuối cùng một ứng viên tổng thống không thuộc hoặc liên minh cùng đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ nhưng vẫn giành được phiếu đại cử tri là ông George Wallace trong cuộc bầu cử năm 1968. Ông Wallace khi đó giành được 45 phiếu đại cử tri, trong khi ứng viên Cộng hòa Richard Nixon giành được 301 phiếu.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)